Xưởng sửa chữa máy móc cơ giới của cơ sở thủy lực Kim Liên tại khu đô thị Đông Nam Thủy An
Dân kêu khổ
Cách đây mấy hôm, chúng tôi liên tục nhận điện thoại của người dân sống cạnh xưởng sản xuất thuốc trừ sâu ở phường Phú Bài “than thở” về nỗi lo sống trong ô nhiễm. “Chuyện cũ” chưa xong, gần đây bạn đọc gửi đến Email Báo Thừa Thiên Huế phản ánh, cuộc sống của họ ở khu đô thị Đông Nam Thủy An (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy) bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn từ một doanh nghiệp hoạt động sửa chữa máy móc. Người dân thôn Minh Thanh xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà cũng kêu khổ vì phải chịu đựng tiếng ồn và bụi từ xưởng cưa đang hoạt động trong khu dân cư.
Theo phản ánh, chúng tôi đến “hiện trường” để tìm hiểu, được biết tại đô thị Đông Nam Thủy An hiện có cơ sở thủy lực Kim Liên sửa chữa ô tô, máy móc cơ giới, được UBND thị xã Hương Thủy cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể) cho bà Mai Kim Liên (đăng ký lần đầu ngày 15/3/2005, đăng ký thay đổi lần 4 ngày 31/7/2013). Cơ sở này mở tại nhà riêng của vợ chồng bà Mai Kim Liên và ông Nguyễn Hoàng Long, phía đầu dãy chung cư. Tuy nhiên, hoạt động gây tiếng ồn lại xảy ra ở xưởng sửa chữa vị trí cuối dãy chung cư. Xe cộ máy móc cơ giới của khách hàng đem đến sửa chữa cũng tập kết ở đó. Theo phản ánh, xưởng này hoạt động cả ngày đến tận khoảng 9, 10 giờ đêm. Hoạt động mài, tiện, xả hơi... gây nên tiếng ồn khó chịu, ảnh hưởng nhiều nhất đến các hộ sống lân cận xưởng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long chủ cơ sở, xưởng này vợ chồng ông mới thuê và đi vào hoạt động thời điểm trước Tết Nguyên Đán vừa qua. Khi mới hoạt động, hộ dân lân cận có ý kiến về vấn đề tiếng ồn và ánh sáng phát ra từ máy hàn. Do đó, ông đã cố gắng khắc phục giảm thiểu đến mức thấp nhất những vấn đề ô nhiễm nêu trên bằng cách thỉnh thoảng mới bắn súng hơi (để tháo các bộ phận máy móc) vào ban ngày. Ban đêm có làm thì chỉ làm các thao tác bằng tay chân để không gây tiếng ồn. Đồng thời, từ khi có phản ánh, cơ sở đã sử dụng máy hàn MGI, không phát ra ánh sáng. Tuy nhiên, ông Long cũng thừa nhận việc đặt xưởng sửa chữa ngay trong khu dân cư là không thể lâu dài, nên đã tìm địa điểm xa khu dân cư, sắp tới sẽ di dời. Còn xưởng hiện tại sau này chỉ dùng làm chỗ đậu xe (của khách hàng đưa đến sửa chữa).
Để tìm hiểu thông tin về việc các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh chưa được di dời ra khỏi khu dân cư, phóng viên liên hệ với ông Phan Văn Đáng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh. Ông Đáng cho biết, vấn đề trên do Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh quản lý. Tuy nhiên, nhiều lần phóng viên cố gắng đăng ký làm việc với ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng, nhưng bất thành, lúc thì ông Hùng bận họp, lúc không trả lời tin nhắn. |
Về trường hợp người dân “kêu” cơ sở cưa xẻ gỗ ở thôn Minh Thanh, xã Hương Vinh (được UBND huyện Hương Trà, nay là thị xã Hương Trà cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho ông Huỳnh Văn Lợi lần đầu ngày 17/9/2004), thông qua “kênh” phản ánh Báo Thừa Thiên Huế, cán bộ UBND xã Hương Vinh đã đến kiểm tra, xem xét. Ông Lợi xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản cam kết bảo vệ môi trường. Cán bộ xã đã nhắc nhở hộ sản xuất này phải thực hiện che chắn và các biện pháp để đảm bảo không để mùn cưa gây ô nhiễm bụi, đồng thời không gây ô nhiễm tiếng ồn khi hoạt động cưa xẻ.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp cận những hộ gia đình sống cạnh cơ sở cưa xẻ gỗ nói trên, người dân kêu rất khổ sở vì ngày nào cũng hứng chịu bụi (mùn cưa). Đặc biệt gần đây, trong đêm khuya, khi xe về đổ gỗ, tiếng ồn là “không thể nào chịu được”. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh, sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền đã kiểm tra nhắc nhở, nếu hộ kinh doanh này vẫn tiếp tục để xảy ra tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn, gây ảnh hưởng cuộc cộng đồng, chính quyền địa phương sẽ thực hiện các biện pháp chế tài theo thẩm quyền và đề nghị các cơ quan chức năng di dời ra khỏi khu dân cư.
Đừng để lặp lại “điệp khúc” cũ
Thời gian qua, Báo Thừa Thiên Huế có nhiều bài phản ánh về vấn nạn ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư gây ra. Đó là “câu chuyện” của Công ty cổ phần Cơ khí Phú Xuân (trụ sở đặt trên địa bàn phường An Cựu, TP Huế), cơ sở kinh doanh, mua bán phế liệu tại kiệt 33 An Dương Vương (thuộc hai phường An Đông và An Cựu), xưởng sản xuất thuốc trừ sâu (chi nhánh II Công ty cổ phần thuốc sát trùng Việt Nam) tọa lạc tại tổ 17 phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy... Ngoài vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, người dân nơi có các công ty, cơ sở nói trên phải sống trong bất an vì hàng ngày hứng chịu ô nhiễm bởi các khí, chất thải là hóa chất độc hại, có thể gây ra những bệnh nguy hiểm chết người. Điều đáng nói, giải pháp triệt để nhất để giải quyết ô nhiễm là di dời các công ty, cơ sở nêu trên ra khỏi khu dân cư, nhưng nhiều năm trôi qua vấn đề này vẫn “giẫm chân tại chỗ”.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh