Một gia đình tị nạn đi qua cánh đồng trên khu vực biên giới Hy Lạp-Macedonia. Ảnh: Reuters

 

Theo EC, những cuộc tấn công này “dấy lên sự cần thiết phải tập trung vào hoạt động kiểm soát biên giới, người tị nạn và hợp tác an ninh của Liên minh châu Âu (EU)”.

Trong một động thái liên quan, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), ông Rob Wainwright nhấn mạnh, có một “sự liên kết gián tiếp” giữa cuộc khủng hoảng người tị nạn và các mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bên cạnh đó, Cơ quan Giám sát Biên giới EU (Frontex) cũng cho rằng, 2 trong số các thủ phạm của vụ tấn công xảy ra hồi tháng 11 ở Paris đã giả mạo làm người tị nạn và đi qua Hy Lạp.

Chính vì vậy, EC cần nhanh chóng tăng cường và cải thiện phương thức hợp tác giữa các quốc gia trong hoạt động kiểm soát đường biên giới.

Bên cạnh đó, EC cũng sửa đổi một cơ chế được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2013 liên quan đến thủ tục “xuất-nhập cảnh” đối với công dân của nước thứ 3 đến EU, nhằm “giảm tình trạng di trú bất hợp pháp bằng cách giải quyết việc lưu trú quá hạn, góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm nghiêm trọng”.

Theo đó, cơ chế mới sẽ được thực hiện vào năm 2020 để lưu giữ dữ liệu của công dân đến từ các nước bên ngoài EU, trong đó có 4 dấu vân tay và 1 ảnh chụp khuôn mặt.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Reuters & The Independent)