Sa kê là một loại cây được trồng khá phổ biến ở Malaysia, Thái bình dương, Caribe, Mỹ, Canada, châu âu,… có tên khoa học là Artocarpus altilis (Parkinson) Fosberg, họ dâu tằm – Moraceae. Trái sa kê có giá trị dinh dưỡng cao, chứa bột đường khoảng 25%, vitamin C 20mg%, vitamin B1 0,1mg% và một số vi chất cần thiết cho sự phát triển cơ thể (kali, kẽm,…), được dùng làm lương thực ở nhiều quốc gia với tên gọi “quả bánh mì” (breadfruit) vì sau khi chiên, nướng hoặc nấu, món ăn từ loại trái cây này có mùi vị tương tự khoai tây, gần giống bánh mì tươi.
 
Tác dụng làm thuốc
 
Nhiều bộ phận khác của cây sa kê được sử dụng để làm thuốc: nhựa, rễ, lá, vỏ, gỗ thân… Theo kinh nghiệm của nhân dân các nước khu vực thái bình dương, nhựa sa kê có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, dùng để xoa bóp, băng bó khi gãy xương, bong gân, đau thần kinh toạ, bôi ngoài da để điều trị các bệnh nhiễm nấm da và niêm mạc. Khi uống nhựa cây pha loãng có tác dụng điều trị tiêu chảy, kiết lỵ, rối loạn tiêu hoá. Y học dân gian Ấn độ và Indonesia dùng lá sa kê cho bệnh nhân xơ gan, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch.
 

Những nghiên cứu gần đây cho thấy các hợp chất flavonoid chiết xuất từ sa kê có hiệu quả ức chế u tuyến tiền liệt, kháng khối u và bệnh bạch cầu (Ragone, D. 1997). Dịch chiết lá sa kê có tác dụng ức chế một số dòng tế bào ung thư của người như: ung thư phổi (SPC-A-1), ung thư ruột kết (SW-480), ung thư gan (SMMC-7721)… Đồng thời cũng thể hiện hiệu quả giảm cholesterol và giảm tích tụ mảng vữa trong thành động mạch chủ của động vật thí nghiệm. Điều đó cho thấy có nhiều triển vọng ứng dụng trong phòng ngừa đột quỵ.

Không dùng phối hợp các vị thuốc
 
Cho đến nay, chưa có bằng chứng đáng tin cậy về hiệu quả phối hợp lá sa kê với các vị thuốc khác. Ví dụ bài thuốc trị viêm gan vàng da có lá sa kê tươi, diệp hạ châu tươi, củ móp gai tươi, cỏ mực khô. Trong bài thuốc này có hai vị thuốc là diệp hạ châu và cỏ mực đã được nghiên cứu khá nhiều bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước về hiệu quả bảo vệ gan, chống oxy hoá. Nếu muốn sử dụng cây cỏ thiên nhiên để bảo vệ gan, chỉ nên sử dụng riêng rẽ từng vị thuốc (diệp hạ châu hoặc cỏ mực) thay vì sử dụng một công thức nhiều thành phần chưa rõ hiệu quả phối hợp.
 
Dựa vào kinh nghiệm sử dụng của nhân dân các nước và kết quả nghiên cứu về dược lý hoá học của sa kê, lời khuyên cần thiết để bảo vệ sức khoẻ mọi người là chỉ nên dùng trái sa kê để chế biến thành các món ăn chín. Còn việc sử dụng các bộ phận khác của cây sa kê trên người bệnh phải hết sức thận trọng và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
 
Độc tính của sa kê
 
Tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng trái sa kê sống là bị tẩy xổ. Có thể khắc phục bằng cách luộc chín và bỏ nước luộc. Tuy nhiên, một số ít loại sa kê lại khá an toàn ngay cả khi sử dụng để ăn sống không qua chế biến. Như vậy, độc tính của trái sa kê tuỳ thuộc vào loài, vùng trồng và cách chế biến. Người ta cũng nhận thấy hoa sa kê phơi khô, đốt cháy có thể hiện độc tính với muỗi và các loại côn trùng biết bay khác, có thể áp dụng đặc tính này để diệt muỗi và côn trùng, con người khi tiếp xúc phải hết sức thận trọng.
 
 
TS.DS Nguyễn Phương Dung
 Theo SGTT