Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tặng quà cho bà con làng Rồng

Một đêm đầu tháng 11/1999, trận “Đại hồng thủy” bất ngờ đổ về cuốn phăng gần 70 căn nhà ra biển, xóa trắng làng Hải Thành. Nhớ về cái ngày định mệnh ấy, ông Trần Văn Hà, một người dân làng Rồng bùi ngùi: “Biết sắp có lũ lớn nên bà con trong thôn đã đưa người già, trẻ nhỏ di dời lên cao, riêng thanh niên trai tráng được huy động để vận chuyển đồ đạc, gia cố nhà cửa… Ấy vậy mà, đến hơn 10 giờ tối, một con nước mạnh đổ về đã xé toang thân đập Hòa Duân và cuốn phăng tất cả...

Mười bảy năm sau về thăm làng Rồng vào những ngày đầu tháng 4, điều chúng tôi cảm nhận là cuộc sống người dân đổi thay nhiều so với trước chính là những ngôi nhà xây kiên cố. Hầu hết người dân làng Rồng đều ở trong những ngôi nhà xây. Những năm gần đây nhờ làm ăn khấm khá, nên số nhà xây kiên cố 2 tầng không ngừng tăng lên.

Nói về sự đổi thay của làng Rồng hôm nay, ông Hoàng Phước, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết: “Tuy vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ từ Trung ương và địa phương, cùng với sự nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình chính bằng nhiều ngành, nghề khác nhau, nên đời sống của bà con làng Rồng không ngừng cải thiện và đi lên từng ngày. Địa phương rất tự hào khi làng Rồng là thôn đạt chỉ tiêu nhiều “không” nhất của thị trấn Thuận An. Đó là, “không tội phạm, không thất nghiệp, không thất học…”.

Ông Lê Văn An, Tổ trưởng Tổ dân phố An Hải vui mừng: “Kể từ sau ngày được đặt tên làng Rồng, cứ mỗi dịp Tết đến, hay những lúc sức khỏe tốt, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thường về thăm làng, gửi quà tặng bà con. Tấm lòng của nguyên Tổng Bí thư được người dân làng Rồng khắc sâu. Cho đến hôm nay, đời sống bà con làng Rồng đã khá lên và ổn định. Làng có 64 hộ với 284 khẩu, nhưng chỉ còn 1 hộ nghèo, còn lại đều thoát nghèo bền vững; 21 hộ làm nghề khai thác biển với 35 lao động chính; 20 hộ làm nghề buôn bán và 15 hộ làm nghề khác. Tình hình an ninh trật tự của làng đảm bảo tốt”.

Cuối tháng 3/2016 khi về thăm lại làng Rồng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không khỏi vui mừng, xúc động khi chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây đổi thay nhanh chóng.Trong không khí đầm ấm, tình cảm, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã giành nhiều thời gian để hỏi han tình hình cuộc sống của bà con làng Rồng và không nguôi câu chuyện xưa khi ngày đầu đặt tên làng. “Khi đến thăm làng, tôi hỏi bà con: Nên đặt tên cho ngôi làng là gì?. Bà con nói: Nên đặt tên làng Lũ. Cái tên bà con nói cũng có lý, bởi vì lũ nên ngôi làng cũ của họ mới bị xóa sổ và họ đến làng mới lập nghiệp. Nhưng tôi bảo không, bởi cái tên đó sẽ khiến người dân cứ ám ảnh với cảnh lũ lụt... Tôi đặt tên là làng Rồng vì năm đó là năm Rồng. Mọi người ai cũng vỗ tay! Làng Rồng được khai sinh từ đó”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gợi nhớ.

Điều vui mừng đối với bà con làng Rồng không chỉ đời sống ngày càng ổn định mà việc học hành của con em cũng được chú trọng hơn, nhiều em đỗ đạt cao. Trong những năm qua, làng có 6 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh và cũng có em đã có nghề nghiệp ổn định.

Chúng tôi cứ nhớ mãi hình ảnh người dân làng Rồng không ai bảo ai, họ đều đến bắt tay nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thật chặt khi chia tay. Bởi họ luôn hiểu rằng, làng Rồng được như hôm nay có một phần rất lớn công lao của nguyên Tổng Bí thư. Họ hứa với nguyên Tổng Bí thư, tuy đời sống có khá giả hơn, nhưng nếu không giữ vững tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn, thì cuộc sống có phát triển đến mấy cũng khó bền vững. Và nụ cười thật tươi hiện rõ trên gương mặt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. 

Bài, ảnh: ANH PHONG