Đoàn múa Hàn Quốc

 

Trong số các đoàn quốc tế, ngoài các đoàn đã quen với các kỳ festival trước, như: Yangpyeong (Hàn Quốc), Srilanka, Okinawwa (Nhật) và Sébastien Laval (Pháp), toàn bộ các đoàn nghệ thuật còn lại đều là những “gương mặt mới”.

Nhẹ nhàng và tươi mới

6 nước châu Á gồm: Mông Cổ, Hàn Quốc, Israel, Trung Quốc, Nhật Bản và Sri Lanka. Loại hình nghệ thuật mà các bạn sẽ thể hiện là múa dân gian truyền thống và các chương trình ca múa nhạc, xiếc tổng hợp.

Đến từ thảo nguyên xanh là các nghệ sĩ của Nhà hát Văn hóa Trung ương Mông Cổ với lối sống du mục cùng vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã. Tại Festival Huế lần này, các nghệ sĩ Mông Cổ sẽ mang đến những ca khúc, điệu múa dân gian truyền thống, nghệ thuật hát đồng song thanh, cùng những bản nhạc được chơi bằng Mã đầu cầm, một nhạc cụ đặc trưng của Mông Cổ.

Ban nhạc dân gian Paulina y el Buscapié

 

Nhóm múa Halleluya (Israel) là một trong 4 đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ ra mắt khán giả Festival Huế 2016 ngay trong đêm khai mạc. Được thành lập năm 1988 bởi biên đạo múa và đạo diễn Barry Avidan, Halleluya từng xuất hiện trên nhiều đài truyền hình và các sân khấu lớn toàn thế giới cùng những màn diễn tươi mới, giàu màu sắc.

Đại diện cho Nhật Bản là đoàn nghệ thuật Takamine Hisae. Các tiết mục chủ đạo của đoàn chính là nghệ thuật hát, múa đặc sắc được hình thành qua quá trình giao thương phát triển mạnh mẽ của Vương quốc Ryukyu với các nước trong khu vực. Đến với kỳ festival này, đoàn sẽ giới thiệu những tiết mục được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Với sự tương đồng về nghệ thuật, văn hóa, đoàn nghệ thuật Okinawa mong muốn giúp thế hệ trẻ có cách nhìn mới thông qua sức mạnh của nghệ thuật, đồng thời, trở thành nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa Huế - Okinawa nói riêng và Việt Nam – Nhật Bản nói chung.

Hiện đại và sôi động

Trong các nước đến từ châu Âu, gồm: Pháp, Anh, Đan Mạch, Nga và Ba Lan, lực lượng “áp đảo” nhất vẫn là Pháp, với 4 đoàn nghệ thuật. Sắc màu văn hóa mà các nghệ sĩ pháp đưa đến Festival Huế 2016 là múa đương đại – hiphop, âm nhạc của rock và pop, nghệ thuật đường phố…

Xa nhưng lại gần, “Autarcie” (của nhóm Par Terre) là vở múa thành công của biên đạo người Pháp gốc Việt Anne Nguyễn, quán quân cuộc thi Biên đạo tài năng mới SACD năm 2013. Autarcie là một trò chơi chiến lược gồm bốn vũ công dâng hiến hết mình giữa nghệ thuật múa và tự do phóng tác. Sử dụng những kỹ thuật break, popping hay waacking như một ngôn ngữ hình thể trừu tượng, mỗi nghệ sĩ là một cá tính mạnh mẽ trên sân khấu, phiêu lưu trong nhịp điệu mãnh liệt và phóng túng của trống điện tử.

Châu Mỹ xa xôi nhưng vô cùng sôi động với sự góp mặt của các nghệ sĩ đến từ Mêhico, Colombia, Hoa kỳ và Chi lê.

Tham gia Festival Huế 2016, ban nhạc Paulina y el Buscapié (Mê-hi-cô) sẽ giới thiệu với khán giả một chương trình với tên gọi Những ô cửa trên phố. Đây là những ca khúc mới được chuyển thể từ những bài hát truyền thống với mong muốn đem người nghe đến gần hơn với âm nhạc dân gian Mê-hi-cô. Ở đây, ngoài các tác phẩm do ban nhạc tự sáng tác và lấy cảm hứng từ âm nhạc dân gian Mỹ La-tinh pha trộn với rock, jazz và nhạc thính phòng, nhịp điệu của các ca khúc còn mang âm hưởng đặc trưng của âm nhạc truyền thống vùng Sotavento và Costa Chica. Các ca khúc được ví như những khung cửa sổ hướng ra đường phố - nơi chứng kiến dòng chảy của cuộc sống hằng ngày và chúng là tấm gương phản chiếu sự đa dạng, đầy sắc màu của nhịp sống đương đại.

Sẽ còn nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nữa đến từ các nghệ sĩ của xứ sở bạch dương Nga, xứ sở sương mù Anh hay những đất nước xa xôi như Hoa Kỳ, Ba Lan, Australia… Tất cả đang chờ ở Festival Huế 2016.

ĐỒNG VĂN