Hôm ấy, A Lưới không nắng. Nhưng kể cả những ngày còn rong ruổi, ngược xuôi A Lưới nhiều lần, mình vẫn chưa hề biết về Kookadek. Câu chuyện không biết đã được bắt đầu như thế nào, nhưng Hương đã nhắc, chính xác cái từ ấy trong một quán café ven đường. Ấy là mỗi năm vào ngày tết, các cô con gái người Pa cô đã đi lấy chồng lại trở về nhà, làm một con gà, nấu nướng để mời cha, mời mẹ, anh chị em cùng ăn. Mỗi năm chỉ duy nhất một lần ấy thôi. Tuyệt nhiên không được đụng đến xoong nồi bát đĩa vào bất cứ ngày nào trong năm. Hương bảo, nó cũng giống tý ty với người dưới xuôi, khi các cô con gái “lại nhà” sau ngày cưới...
 
Mình xoay ly café trên tay, cứ thấy bùi ngùi thế nào. Mà Hương cũng chỉ dành cho mình nụ cười phúc hậu nhưng tươi tắn khi trả lời rằng, Hương cũng không biết là trong cái ngày của năm ấy, các cô con gái vui nhiều hay buồn nhiều, hay bùi ngùi nhiều. Như Hương bây giờ, đã quen với việc qua nhà cha mẹ, chăm sóc, nấu nướng giúp ông bà khi đau khi ốm. Ngày của năm ấy cũng vẫn làm gà, nhưng để ăn thịt gà và vui vẻ là chính...
 
Mình nghe, thả cái nhìn vào phía xanh thẳm. Cứ mường tượng người con gái Pa cô của gia đình trở về nhà, vào bếp lục đục nấu nướng. Đôi tay chợt nhiên lóng ngóng trong lễ kookadek. Chẳng hẳn là mâm cao cỗ đầy gì, chỉ là con gà thôi nhưng người đàn bà ấy đã xoay xở thật lâu với bao nhiêu là tủi phận và thương nhớ. Với những giọt nước mắt giấu sau bập bùng bếp lửa. Ngày của đằng đẵng một năm...
 
 
Mang cái bùi ngùi ấy đi về phía A nôk, nên cái mình nhìn, không phải là những ngôi nhà sàn định danh bởi cái tên Việt Tiến - một công ty dệt may ở TP HCM đã cho bà con 20 khung nhà sàn bằng bê-tông - mà là những chái bếp bên nhà sàn. Lạ nhé, bên những ngôi nhà sàn khung đúc, có cái được che chắn bằng gỗ rất đẹp, có cái mới được lưng chừng vách, có cái chỉ một góc nhà và có cái được cài tạm bằng những mảnh tre dài đập dập, thế nào cũng có một gian bếp đậm đặc mùi khói và lửa cài âm ỉ. Nó chật chội một cách ấm cúng với những quả ngô khô trên giàn bếp. Mấy tay rau xanh cài bên bức vách. Chiếc rựa cũ mòn vẹt. Cái ấm nước cong vênh hay có khi là một chiếc gùi cỡ trung đen bóng và gần như sát cạnh bếp lửa là một chiếc giường hay đại loại là một nơi để ngủ... Cái chật chội rất lao xao của đời sống hàng ngày chứ không rộng mênh như phía trên ngôi nhà sàn cột đúc... Hình như chỉ có lũ trẻ là thích ở đó. Cô bé con ở ngồi nhà thứ tư, thứ 5 gì đó nhoài mình ra bậc chân lên sàn nói tên mình là Lê Thị Hiền nói, A Kăq, A Ve ooq (ông, bà) chỉ ở dưới đó thôi, không thích lên trên này đâu...
 
Bộ áo váy Pa cô lính xính trong bước chân và chuỗi hạt nhựa nhiều màu trên cổ làm Hồ Thị Liên thành người khó đoán tuổi khi mở cổng mời mọi người vào nhà. Giọng chậm rãi khi phát âm. Có lẽ là chưa quen thuộc lắm tiếng đồng bằng. Ngôi nhà sàn của chị không hiểu vì sao mới chỉ lưng chừng vách, mặc gió tự nhiên vào ra. Sau cái kè thâm thấp được xếp đá rất trật tự là một gian bếp ấm sực và nồng nàn mùi tro. Những mảnh gỗ được dùng làm nơi ngủ đã xạm bóng lại. Nhà chỉ còn lại hai ông bà thôi. Những đứa con đã có vợ, có chồng và ở phía bên kia đồi rồi.
 
Mình nhìn bếp lửa, hỏi con gái chị có về làm kookadek mỗi khi tết không? Người đàn bà nói chậm, giọng như âm ra từ núi: Con của ba hắn thôi. Mình không có con mà...
 
- Thế chị còn về nhà làm kookadek không?
 
Chỉ có ánh nhìn dài từ đôi mắt cũ. Và mình chợt thấy dềnh lên phía sau một ngày gió...

Hạnh Nhi