Người dân khu tái định cư thủy điện A Lưới phải đối mặt với khó khăn bởi vùng quy hoạch chủ yếu là đất đá sỏi

Người dân tái định cư thiếu đất sản xuất

A Sáp và A Đên là 2 làng mới được thành lập ở khu tái định cư thủy điện A Lưới thuộc xã Hồng Thượng, với 106 hộ dân của các xã Sơn Thủy, Hồng Thượng và xã Hồng Thái di dời đến nơi ở mới. Dời làng về nơi ở mới, khó khăn lớn nhất của bà con là thiếu đất sản xuất. Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng cho biết: Việc chuyển dân sang định cư ở làng mới mà đất dự phòng để sản xuất không có nên rất khó cho địa phương trong việc cải thiện đời sống người dân ở 2 làng tái định canh, định cư này.

Không có đất sản xuất, bà con phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác, người đi lột vỏ tràm thuê, người đánh bắt cá ở lòng hồ… Chị Kăn Dũng, ở khu tái định cư nói: Nhà có 8 – 9 miệng ăn nên ngày nào không lên rẫy là mình phải đi làm bốc vác để kiếm tiền mua gạo. Mong mỏi của bà con ở đây bây giờ là được cấp đất sản xuất hoặc chi trả tiền chênh lệch đền bù để bà con phát triển sản xuất chăn nuôi nhằm cải thiện cuộc sống.

Chủ tịch UBND xã Nhâm, Phạm Minh Cải băn khoăn: Từ khi thủy điện A Lưới triển khai đền bù đến nay, địa phương đã tiếp nhận hằng trăm đơn thư khiếu kiện liên quan đến vấn đề bồi thường, đền bù. Tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp kéo dài, dẫn đến mất an ninh trật tự tại địa bàn, trong đó chủ yếu là phần hỗ trợ chênh lệch 50% về đất, Nhân dân rất bức xúc, kiến nghị các cấp cần giải quyết dứt điểm.

 Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện tất cả các hộ dân ở khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới được di dời lên khu tái định cư A Đên và A Sáp (ở xã Hồng Thượng) phải đối mặt với cuộc sống khó khăn bởi vùng quy hoạch chủ yếu là đất đá sỏi. Cùng đó là việc thiếu diện tích đất trồng lúa nước, hoa màu... nên người dân rơi vào cảnh tái nghèo.

Cần giải quyết dứt điểm

Thủy điện A Lưới là dự án lớn ở khu vực miền Trung, chính thức phát điện vào tháng 6/2012, với công suất lắp đặt máy 170 MW, có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 3.234 tỷ đồng. Công trình phải đền bù, hỗ trợ cho 1.318 hộ dân với tổng kinh phí 203,11 tỷ đồng; trong vùng lòng hồ có 106 hộ dân được tái định cư để xây dựng công trình… Anh Nguyễn Quốc Thạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện A Lưới cho biết: “Công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư thủy điện A Lưới về cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn vướng mắc phần kinh phí bồi thường chênh lệch giữa Quyết định số 928/2008/QĐ-UBND và Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh, với số tiền 40,4 tỷ đồng cho 924 hộ dân (gồm 860 hộ bị ảnh hưởng thuộc hạng mục lòng hồ và 64 hộ bị ảnh hưởng bởi hạng mục tuyến kênh và khu tái định canh). Về vấn đề này, UBND tỉnh đã có chủ trương, chủ đầu tư (tức Công ty CP Thủy điện miền Trung) hỗ trợ 50% kinh phí và 50% còn lại địa phương giải quyết hỗ trợ bằng đất sản xuất”. Nói đến số tiền đền bù chênh lệch, anh Thạnh lý giải: Người dân nhận tiền đền bù dự án thuỷ điện A Lưới theo hai quyết định và ai nhận theo quyết định trước (tiền ít hơn quyết định sau) thì được xem xét, hỗ trợ thêm vì các hộ dân bị ảnh hưởng đa số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện chủ trương trên của tỉnh, UBND huyện A Lưới đã phối hợp với Công ty CP Thủy điện miền Trung tiến hành phê duyệt giá trị hỗ trợ 50% tiền mặt và đã chi trả xong số tiền hơn 23,6 tỷ đồng cho 924 hộ dân bị ảnh hưởng. Về nhu cầu đổi 400 ha đất sản xuất cho 924 hộ này, UBND huyện A Lưới cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh qua nhiều lần làm việc đã tiến hành rà soát trên địa bàn 6 xã gồm: Hương Phong, Hồng Thái, Phú Vinh, Sơn Thủy, Hồng Thượng và Hồng Quảng, nhưng chỉ còn vỏn vẹn hơn 11 ha đất sản xuất. Tại công văn báo cáo UBND tỉnh về việc chuyển diện tích rừng cho địa phương quản lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khẳng định: “Kết quả rà soát cho thấy, hiện tại Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới không còn diện tích rừng và đất rừng thuận lợi để bàn giao cho người dân sản xuất”.

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới  Nguyễn Quốc Cường cho biết thêm, UBND huyện đã có báo cáo tình hình đền bù tái định canh, định cư thủy điện A Lưới, trong đó nêu rõ khó khăn về quỹ đất sản xuất của địa phương và đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương hỗ trợ bằng tiền mặt nhằm giúp bà con có điều kiện chuyển đổi sản xuất phát trển chăn nuôi, sớm ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Bá Trí