Trở lại với Huế, trong quá trình phát triển của thành phố giai đoạn hiện đại, do hạn chế về kinh tế cũng như trình độ xây dựng nên kiến trúc mô phỏng  rất ít xuất hiện. Những năm gần đây, một số những công trình kiến trúc “mô phỏng” ra đời ít nhiều góp phần làm phong phú thêm kiến trúc Huế. Tuy nhiên đây chỉ là những công trình có quy mô nhỏ như: nhà hàng nổi sông Hương mô phỏng hình hoa sen, Nhà hàng nón mô phỏng hình những chiếc nón lá, nhà Kèn... Riêng với cầu Trường Tiền, tuy không phải là một công trình dựa trên phương pháp mô phỏng,  nhưng “vô tình mà hữu ý” khi gợi mở cho người nhìn ấn tượng và sự hình dung về rất nhiều sự vật như chiếc lược cài trên mái tóc sông Hương, vầng trăng trên sông... Theo thời gian, với đường nét mềm mại, chắt lọc, cầu Trường Tiền tuy có chiều kích khiêm tốn nhưng đã trở thành một biểu tượng của kiến trúc và văn hóa Huế.

Tiến sĩ – KTS Đặng Minh Nam, Viện Trưởng viện Quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế cho rằng, kiến trúc thế giới rất coi trọng đến tính bản sắc của các quốc gia. Với Việt Nam, chúng ta chưa định hình được cái gọi là trường phái, nhưng có thể nói xu thế tất yếu là mô hình kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững và thân thiện môi trường. Nghĩa là công trình kiến trúc đó còn phải phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội ở chính nơi chúng hiện hữu. 

Theo Ths - KTS Trần Ngọc Tuệ, trong thực tế sáng tác, các KTS vẫn dùng phương pháp mô phỏng để sáng tác những công trình kiến trúc, tuy nhiên, vấn đề ở đây là sự mô phỏng không nên máy móc mà phải hướng đến sự chắt lọc và tinh tế. Điều này quả không hề đơn giản, bởi nếu “không đáp ứng được”, công trình sẽ là một sự mô phỏng khiên cưỡng, không những không tạo ra ấn tượng, tính biểu tượng mà nó còn tác động ngược đến thẩm mỹ kiến trúc của công chúng, đi ngược với xu thế sáng tác hiện đại. Ths - KTS Trần Ngọc Tuệ cho rằng, với Huế một công trình mới ra đời quan trọng không phải là nó phải giống một cái gì quá cụ thể như chiếc nón lá, lầu ngũ phụng, rồng - phụng... mà cần hướng đến sự hài hòa, cộng sinh với môi trường cảnh quan tự nhiên, vốn đã trở thành một kiệt tác đô thị.

Những quan điểm trên nói lên một điều rằng, kiến trúc Huế trong giai đoạn hiện nay cần phải hướng đến một tư duy mới, theo kịp thời đại, không nên đi theo những lối mòn kiến trúc cũ trước đây. Điều này phải được nhận thức ngay cả trong tư duy của nhà quản lý, kiến trúc sư và công chúng. Đành rằng không thể loại bỏ kiến trúc mô phỏng, bởi đây là một phần của phương pháp sáng tác, nhưng chúng ta phải xác định chỉ nên ứng dụng một cách hạn chế, và cần thiết phải được nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng cả về thiết kế cũng như kinh phí. Nên chăng chỉ ưu tiên cho các công trình kiến trúc phục vụ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, không nên lạm dụng loại hình kiến trúc này ở tất cả các công trình. Có thể nói, những đường nét khỏe khoắn, sang trọng của kiến trúc hiện đại đôi khi lại tạo ra những công trình kiến trúc ấn tượng và đặc trưng riêng có, chứ không hẳn cứ phải mô phỏng lại những dáng hình sự vật, mới có bản sắc như quan niệm lâu nay. Còn biểu tượng kiến trúc lại là một phạm trù khác, mang nhiều yếu tố tinh thần, cần có thời gian để công chúng kiểm chứng mà cầu Trường Tiền là một minh chứng.

Quang Phong