PGS.TS.Hoàng Hữu Hạnh |
Kết quả nổi bật nhất mà HTQT đem lại trong giáo dục đào tạo ở Đại học Huế trong thời gian qua là gì, thưa ông?
Trước hết là ở lĩnh vực trao đổi giảng viên và sinh viên. Các chương trình hợp tác trao đổi song phương, đa phương, các chương trình hợp tác trong trao đổi giảng viên và sinh viên với các đối tác châu Âu truyền thống... tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên đang học tại ĐH Huế có cơ hội học tập và trao đổi tại châu Âu; thúc đẩy cải tiến giáo dục đào tạo; tăng dần tính hoà nhập vào nền giáo dục đào tạo quốc tế, đặc biệt là nền giáo dục ĐH hiện đại và tính đa dạng cao của châu Âu... Kết quả đạt được trong thời gian qua là rất đáng kể với hơn 50 học bổng được cấp cho giảng viên và sinh viên ĐH Huế đi học tập toàn phần, trao đổi học tập và nghiên cứu tại các ĐH danh tiếng châu Âu với các chương trình Erasmus Mundus Action (EMA2) - loại dự án nhằm tăng cường trao đổi giảng viên và sinh viên giữa EU và các nước thông qua các hình thức học bổng dành cho giảng viên, cán bộ hành chính, học bổng các cấp từ cử nhân đến sau tiến sĩ. Chương trình mới Erasmus+ Key Action 2 (KA2) với nhiều loại hình trao đổi, trong đó tập trung trao đổi giảng viên, sinh viên. Các chương trình EM và Eramus+ do Cơ quan điều hành về giáo dục, nghe nhìn và văn hoá (EACEA) của Liên minh châu Âu quản lý điều phối...
Về nâng cao năng lực trong giáo dục đào tạo - một mảng hoạt động rất quan trọng trong phát triển giáo dục đào tạo - ĐH Huế tập trung vào nhóm các chương trình và dự án về nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy như Chương trình VLIR-IUC tập trung nâng cao năng lực và thực hiện đổi mới giáo dục. Nhóm các dự án nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực của VLIR-IUC từ nghiên cứu tại địa phương đến đào tạo tiến sĩ (có 12 tiến sĩ đang được đào tạo phủ đầy từ giáo dục đến y tế, thuỷ sản, chăn nuôi và môi trường). Chương trình VLIR-NETWORK nhằm phát triển và nâng cao năng lực hướng đến xây dựng hai chương trình thạc sĩ quốc tế về thuỷ sản và công nghệ thực phẩm với mạng lưới các trường khác trong nước. Bên cạnh đó, còn có chương trình mới là xây dựng năng lực, tập trung đào tạo và các vấn đề liên quan đến đào tạo như chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sinh viên tìm việc làm, kỹ năng khởi nghiệp…
Vị thế của ĐH Huế được nâng lên thế nào qua các chương trình, dự án HTQT này?
Hiệu quả lớn nhất mà các dự án mang lại là nâng cao năng lực nghiên cứu và giáo dục cho cả hệ thống, cá nhân và tổ chức. Cá nhân được đi học, tiếp thu cái mới và trở về phục vụ cho tổ chức, tăng cường nhận thức về mặt quản lý, thay đổi, ban hành các quy định mới về giáo dục ĐH. Chẳng hạn ở ĐH Huế vừa qua có những thay đổi, như: thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Trung tâm Ươm tạo và chuyển giao công nghệ. Hiệu quả về mặt chính sách là ban hành các quy định mới: Chiến lược phát triển khoa học công nghệ, chiến lược phát triển đảm bảo chất lượng, quy định tiếp nhận học sinh và chuyển đổi tín chỉ. Sinh viên học tại ĐH Huế được hưởng toàn bộ những lợi ích mà các chương trình đó mang lại.
Hiệu quả đáng kể nhất là thông qua HTQT, bạn bè biết nhiều về ĐH Huế, về hệ thống cấu trúc, cơ chế của ĐH Huế. Trước đây, người ta thường nhắc đến từng ĐH riêng lẻ. Hiện nay, nhắc đến châu Á và Đông Nam Á, người ta nhắc nhiều đến ĐH Huế, hiểu ĐH Huế như là một hệ thống ĐH đa ngành, đa lĩnh vực. Hợp tác với ĐH Huế có những thuận lợi, đó là có thể làm việc với nhiều ngành song song, các chuyên ngành hẹp với các trường ĐH thành viên. Cơ chế hai cấp cho phép tận dụng tối đa điều đó. Đó chính là vị thế của ĐH Huế và các trường thành viên, đơn vị trực thuộc trong ĐH Huế. HTQT cũng đem lại nhiều lợi ích cho các trường thành viên ĐH Huế.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, ĐH Huế và các trường thành viên có chiến lược mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác với các ĐH lớn trên thế giới và khu vực như thế nào?
Toàn cầu hoá bước vào giai đoạn phát triển sâu và rộng: Cộng đồng ASEAN, EU thúc đẩy hợp tác giáo dục,... đặt ra thách thức cho đào tạo kết hợp nghiên cứu và đảm bảo chất lượng. ĐH Huế đề ra các định hướng phát triển HTQT là: tận dụng tối đa lợi thế của ĐH vùng và mô hình hệ thống ĐH 2 cấp, tăng cường hành lang pháp lý cho việc tiếp nhận và trao đổi sinh viên, công nhận học thuật, chuyển đổi tín chỉ; tiếp tục thúc đẩy đổi mới chương trình đào tạo, tăng số lượng các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài và liên kết đào tạo hay đào tạo phối hợp. Thúc đẩy việc phát triển các hợp tác khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo với định hướng phát triển mạnh giáo dục dựa trên nghiên cứu; phát triển các chương trình HTQT với định hướng đảm bảo chất lượng; phát triển có trọng tâm các chương trình HTQT đặc biệt trong mạng lưới các ĐH Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và trao đổi với Đông Nam Á (AIMS), cộng đồng châu Âu. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về tăng cường các hoạt động hợp tác với các nước trong vùng, cộng đồng ASEAN và châu Á, những nước có điều kiện tự nhiên, xã hội tương tự để có thể nhân rộng các mô hình, phát triển đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất sản phẩm với mục tiêu phục vụ cộng đồng ASEAN và vươn ra quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Hà (thực hiện)