Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Ảnh: Image |
Nhận lời mời từ Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, theo kế hoạch, ông Carter sẽ tới Trung Quốc trong chuyến công du châu Á trong tháng này. Tuy nhiên các quan chức Mỹ cho biết, vài tuần trước đây Bắc Kinh đã nhận được thông báo về việc ông Carter sẽ không dừng chân tại đây như kế hoạch ban đầu. Các quan chức quốc phòng thừa nhận chuyến thăm của ông Carter tới Trung Quốc tạm thời bị hoãn lại do có một số vấn đề về lịch trình, tuy nhiên lãnh đạo cao nhất của Lầu Năm Góc sẽ vẫn tới thăm Bắc Kinh vào cuối năm nay.
Trong chuyến công du tới châu Á lần này, ông Carter sẽ đến thăm Philippines - một trong những nước tuyên bố chủ quyền đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông - để theo dõi các cuộc tập trận quân sự chung, đồng thời hoàn tất một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ được đóng quân tại đây lần đầu tiên kể từ năm 1992. Ông cũng sẽ đến thăm Ấn Độ, quốc gia đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Mỹ trong những năm gần đây, chủ yếu xuất phát từ những quan ngại về Trung Quốc.
Vẫn chưa rõ rằng lịch trình chuyến thăm thay đổi liệu có phải là một thông điệp mà Washington ngụ ý gửi tới Bắc Kinh hay không. Có điều sự thay đổi lại xảy ra đúng vào thời điểm quan hệ quân sự giữa hai nước đang trên đà đi xuống bất chấp cam kết giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc cải thiện mối quan hệ này từ cuộc gặp gỡ cấp cao vào năm 2013.
Quan hệ Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các hoạt động khẳng định chủ quyền phi lý ở Biển Đông, bao gồm việc xây dựng 7 đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc rêu rao rằng họ có “chủ quyền không thể chối cãi” với toàn bộ các đảo trên Biển Đông cũng như các vùng biển xung quanh, chồng lấn lên các vùng biển của Brunei, Malaysia, Việt Nam, Philippines - một đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á. Việc Bắc Kinh gia tăng các hành động khiêu khích và ngang ngược trong việc khẳng định chủ quyền tại biển Đông khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại.
Theo Dantri