Dưới đây là năm điều cần biết về Hội nghị của các nhà ngoại giao hàng đầu đến từ Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và chủ nhà Nhật Bản.
1. Tại sao lại là thành phố Hiroshima
Bỏ lại tất cả đau thương của quá khứ, Hiroshima đã đứng dậy và phát triển một cách mạnh mẽ. (ảnh: duhoc.kyodai.vn) |
Hiroshima, thành phố được biết đến như một biểu tượng của hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó là một sức sống mãnh liệt của những người dân nơi đây, sau khi địa phương này phải hứng chịu quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống vào năm 1945, khiến khoảng 247.000 người thiệt mạng, toàn thành phố trở nên hoang tàn.
Tuy nhiên, bỏ lại tất cả đau thương của quá khứ, Hiroshima sau đó đã đứng dậy và phát triển một cách mạnh mẽ. Nhật Bản hy vọng thông qua Hội nghị Ngoại trưởng G7 nhằm gửi một thông điệp đến với các nước thành viên G7 và toàn thế giới về một thế giới không phổ biến vũ khí hạt nhân và hòa bình.
Ngoài ra, Hiroshima cũng là quê hương của Ngoại trưởng Fumio Kishida. Nơi đây cũng là địa phương có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, trong đó nổi bật nhất là ngôi đền Miyajima - ngôi đền được ví đẹp như tranh vẽ của Nhật. Và sau cùng, Hiroshima được biết đến với món hàu uy tín và chất lượng hàng đầu Nhật Bản.
2. Công viên Hòa bình và Viện Bảo tàng Nguyên tử
Ngoại trưởng các nước G7 sẽ tới dâng hoa tưởng niệm những người đã chết trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima tại Công viên Hòa bình, đồng thời tham quan Viện Bảo tàng Nguyên tử. Điều này được xem như nhằm đáp ứng đúng nguyện vọng đối với những nạn nhân còn sống sót sau vụ đánh bom - những người trong suốt nhiều thập kỷ luôn cố gắng vận động và mong muốn các nhà lãnh đạo quốc tế tới Hiroshima để xem lại những chứng tích kinh hoàng từ vũ khí hạt nhân.
Nhật Bản cũng hy vọng Hội nghị sẽ đưa ra một “Tuyên bố Hiroshima” riêng về không phổ biến hạt nhân, bên cạnh những nội dung chung thông thường khác.
3. Chương trình nghị sự
Chương trình nghị sự chính của Hội nghị G7 nhằm lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu thời gian gần đây của chủ nghĩa khủng bố. Cùng với vấn đề này, Hội nghị còn thảo luận nhiều vấn đề mang tính thời sự khác, như vấn đề an ninh và an toàn hàng hải quốc tế trước bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện sự quyết đoán trong giải quyết tranh chấp tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông; vấn đề người tị nạn; chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên; cũng như cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine và Trung Đông.
4. Sự vắng mặt của Nga
Tại Hội nghị G7 lần này sẽ không có sự tham dự của Nga, quốc gia vốn là nước thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) trước đây. Năm 2014, Nga đã bị loại khỏi Nhóm G8 sau khi bị cáo buộc có sự hỗ trợ cho phiến quân ly khai tại Ukraine.
Tại Hội nghị G7 lần này sẽ không có sự tham dự của Nga, quốc gia vốn là nước thành viên của Nhóm G8 trước đây. (ảnh:Getty). |
Tuy nhiên, mặc dù không tham gia Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này, nhưng Ngoại trưởng Nga dự kiến trong tuần tới sẽ đến thăm Tokyo để gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Kishida. Đây được ví như khúc dạo đầu mở đường cho chuyến thăm Nga của Thủ tướng Shinzo Abe, dự kiến vào tháng 5 tới.
Vì vậy, khác với một số nhà ngoại giao hàng đầu của Nhóm G7 tới Nhật Bản tham dự Hội nghị, chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga có thể được chào đón một cách trịnh trọng hơn.
5. Hội nghị mở rộng
Hội nghị Ngoại trưởng là Hội nghị đầu tiên trong số 10 Hội nghị Bộ trưởng các ngành khác nhau của Nhóm G7, được tổ chức từ nay cho tới khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo cấp cao G7 từ ngày 26 - 27/05, tại thành phố ven biển Shima, miền Trung Nhật Bản. Ngoài Hội nghị Ngoại trưởng, thời gian tới sẽ tiếp tục diễn ra các Hội nghị tài chính, năng lượng, môi trường và nông nghiệp…/.
Theo VOV