Tân Tổng thư ký LHQ sẽ bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 1/2017, khi ông Ban Ki-moon về hưu vào ngày 31/12 tới đây. Ảnh: AFP

Hôm 12/4, các ứng cử viên cạnh tranh để trở thành Tổng Thư ký tiếp theo của LHQ đã trả lời những câu hỏi về các cuộc khủng hoảng toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến cách đạt được hòa bình ở khu vực Trung Đông. 

Đây được cho là động thái mới và lần đầu tiên được Hội đồng Bảo an LHQ thực hiện, trong bối cảnh tổ chức quyền lực nhất thế giới chuẩn bị bước sang tuổi 71. Theo đó, LHQ sẽ tổ chức 3 ngày điều trần công khai và được truyền hình trực tiếp từ trụ sở LHQ ở New York, Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ, việc lựa chọn một Tổng Thư ký LHQ được thực hiện chủ yếu bởi Hội đồng Bảo an và 5 thành viên thường trực gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Mỹ trong một quá trình gần như bí mật đằng sau những cánh cửa đóng kín.

Tuy nhiên vào tháng 9 vừa qua, Đại hội đồng đã quyết định thay đổi quá trình này và yêu cầu các ứng cử viên phải gửi một đơn ứng cử chính thức, trình bày hồ sơ của mình, cũng như xuất hiện tại phiên điều trần.

Quyết định cuối cùng về vị trí cao nhất của LHQ vẫn thuộc Hội đồng Bảo an, nhưng sự cởi mở mới được coi là nhằm mục đích tìm kiếm một nhà lãnh đạo tốt nhất cho LHQ trước những thách thức nghiêm trọng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc thuyết trình công khai cũng đóng vai trò rất hữu ích cho các quốc gia thành viên LHQ, giúp họ hiểu hơn về tầm nhìn của các ứng viên, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Mogens Lykketoft nhận định. 

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & Dailystar)