Thủ tướng 2 nước Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) và Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa. (ảnh: telegraph.co.uk)

Tuyên bố chung của Thủ tướng 2 nước Hy Lạp và Bồ Đào Nha có tên “Phản đối chính sách khắc khổ, vì một châu Âu dân chủ và tiến bộ với sự kết nối và công bằng xã hội”. Đây là lần đầu tiên hai quốc gia Nam Âu cùng ký tuyên bố chung nhằm tăng cường hợp tác song phương trong bối cảnh cả hai nước đang phải chịu tác động nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuyên bố chung nhấn mạnh, châu Âu đang đứng trước bước ngoặt quan trọng và cần phải quyết định sẽ củng cố chính sách gần gũi hơn về mặt chính trị và thúc đẩy hội nhập xã hội cũng như tài chính hay theo đuổi sự rời rạc và lợi ích quốc gia hẹp hòi.

Lãnh đạo 2 nước nhất trí cho rằng, cuộc khủng hoảng trong Khu vực Sử dụng đồng euro (Eurozone) là hệ quả của một quá trình hội nhập châu Âu không cân xứng, cũng như sự thiếu vắng các công cụ hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã thúc đẩy cho “một hiệp ước xã hội châu Âu mới” cũng như các chính sách hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề chung của xã hội như bài ngoại và cực đoan trên toàn châu Âu. Lãnh đạo 2 nước quyết định hợp tác chặt chẽ trên mọi cấp độ, từ song phương đến đa phương trong khuôn khổ Liên minh châu Âu, để thúc đẩy một chương trình khôi phục kinh tế, tạo công ăn việc làm, tập trung vào chất lượng nghề nghiệp, công bằng xã hội và tăng trưởng thân thiện với môi trường ở châu Âu nói chung cũng như 2 nước nói riêng.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết: “Chúng ta cần phải sang trang. Chính sách khắc khổ không mang lại giải pháp hay kết quả cho bất cứ quốc gia nào đã thực hiện chúng. Chúng tôi tin rằng đây là vấn đề mang tính cấu trúc. Chúng ta cần phải đặt mục tiêu cho phát triển và đấu tranh với thất nghiệp, tạo việc làm và tạo tính cạnh tranh cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp để trở lại với con đường hội nhập Liên minh châu Âu”.

Cả Bồ Đào Nha và Hy Lạp đều nhận các gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Bồ Đào Nha thoát khỏi  chương trình cứu trợ trị giá 78 tỷ euro từ tháng 5 năm 2014 trong khi Hy Lạp vẫn đang vật lộn để đáp ứng yêu cầu theo gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro trong vòng 5 năm tới.

Trên cở sở chia sẻ những khó khăn tương đồng khi thực hiện chương trình cứu trợ của các chủ nợ quốc tế, chính phủ Hy Lạp và Bồ Đào Nha cho rằng chỉ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng không thôi sẽ là sai lầm và thiếu hiệu quả, khó có thể vượt qua những thách thức hiện nay./.

Theo VOV