Năm 2013, HTX Nông nghiệp Phú Hồ đầu tư hơn 30 triệu đồng xây dựng các thùng rác cố định bằng xi măng tại một số điểm chính trên các cánh đồng để nông dân bỏ rác thải sau sản xuất như bao bì đựng giống, phân; chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật... Việc này tạo cho người dân có ý thức hơn, không còn tiện tay vứt rác ra đồng gây ảnh hưởng môi trường do lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón còn sót lại lan ra khắp khu vực ảnh hưởng sức khỏe người dân; hay chai lọ bị vỡ có khả năng gây tai nạn cho người dân khi tham gia sản xuất… Sau mỗi vụ, người dân tiêu hủy bằng cách đốt tại chỗ. Từ lợi ích rõ rệt của mô hình, tỷ lệ người dân tự giác thực hiện khá cao. 

Sản xuất củi trấu ở Phú Hồ

Thành công với mô hình “cánh đồng mẫu”,  HTX Nông nghiệp Phú Hồ mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà kho, sân phơi và mua máy xay xát để bao tiêu sản phẩm, hạn chế việc tư thương ép giá nông dân. Sau khi tổ chức sản xuất tập trung, lượng trấu không xử lý kịp ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân. Mùa mưa lũ, trấu trôi theo dòng nước đến các con đường, nổi lềnh bềnh trên các con mương; mùa khô, tác động của nắng, gió lại lo nguy cơ hỏa hoạn, Ban Giám đốc HTX nghiên cứu tìm phương án thích hợp để giải quyết. Nhận thấy lợi ích của mô hình làm củi từ trấu, HTX quyết định đầu tư thêm gần 300 triệu đồng mua sắm trang thiết bị cho một nhà máy ép củi từ trấu và kho đựng trấu. Sản phẩm củi trấu của Phú Hồ cung cấp cho các công ty dệt may tại Khu Công nghiệp Phú Bài để thay thế than tổ ong. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất được khoảng 40 tấn củi trấu bán với giá 1.000đ/1kg, tương đương 40 triệu đồng. Ngoài tận dụng được nguồn trấu, trừ mọi chi phí lợi nhuận từ mô hình kinh tế này đạt hơn 50%.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Hồ Hồ Bạn cho biết: “Phú Hồ là vùng trũng, việc làm vòm trồng nấm cần đầu tư công phu hơn các địa phương khác nên chưa tận dụng hết nguồn rơm rạ. Tuy nhiên, HTX tiếp tục vận động người dân đầu tư phát triển, vì mô hình này vừa giúp bà con có thêm thu nhập vừa hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây ảnh hưởng môi trường.

Khó khăn hiện nay mà HTX gặp phải là, không đủ nhà kho để bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân. Thứ nữa, điện sản xuất ở HTX còn bị giới hạn nên chưa vận hành máy xay xát liên hoàn làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.

Cầm thanh củi tròn màu đen bóng sau khi hoàn thành công đoạn cuối cùng, ông Dương Văn Dũng, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Hồ tỏ ra tiếc nuối: “Sản xuất củi từ trấu, vừa lãi cao vừa góp phần bảo vệ môi trường. Thế mà, trấu vẫn thừa, củi thì cung không đủ cầu.”. Nếu HTX bao tiêu hết lúa của thành viên nguồn nguyên liệu để sản xuất củi trấu sẽ cho lợi nhuận đáng kể; đồng thời, giải quyết được việc làm cho nhiều lao đồng nhàn rỗi.

Việc xử lý rác thải sau sản xuất nông nghiệp bằng cách đốt mà Phú Hồ đang làm cũng chỉ là giải pháp tình thế. Lợi ích từ các thùng rác cố định đã rõ, nhưng việc đốt rác vẫn làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân do khói độc lan ra diện rộng. Để có hướng giải quyết triệt để, phải thực hiện thu gom như rác thải sinh hoạt. Nhưng, với điều kiện của HTX hiện nay việc tự thu gom là ngoài khả năng nên cần có sự vào cuộc của các đơn vị có liên quan.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Hồ, Bùi Đức Trực cho biết: “Về việc xây dựng nhà kho, xã sẵn sàng cấp đất cho HTX; đồng thời, tích cực hỗ trợ những vấn đề pháp lý để cùng HTX gỡ những “nút thắt”. Riêng với rác thải sau sản xuất nông nghiệp, sẽ sớm đưa vào kế hoạch thu gom như rác thải sinh hoạt.”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN