Nhiều năm qua, các NH đã tăng trưởng tín dụng cực nóng. Số liệu của NH Nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng bình quân 10 năm qua là 29,4%/năm, còn trong 5 năm gần đây là 33%/năm. Trong khi đó, phần lớn nguồn vốn huy động được là ngắn hạn nhưng các NH lại tập trung cho vay trung và dài hạn.

Theo quy định, các NH chỉ được sử dụng 30% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn nhưng thực tế nhiều NH đã cho vay trung và dài hạn từ 60% đến 100%. Khi chính sách tiền tệ của nhiều năm qua liên tục thắt chặt, lập tức nhiều NH triền miên khó khăn về thanh khoản khiến nhu cầu về vốn để NH bảo đảm thanh khoản là rất lớn. Đó là hệ quả của việc NH sử dụng vốn sai lệch. Do đó, khi tốc độ CPI trong 6 tháng gần đây đã giảm (tháng thấp nhất là 0,3%, tháng cao nhất là 1%) tác động tích cực đến việc kiềm chế lạm phát, tạo tiền đề cho NH có thể hạ lãi suất song đó chỉ mới là điều kiện cần nên lãi suất chưa thể giảm vào đầu năm 2012.

Như vậy, đâu là điều kiện đủ để hạ lãi suất? Nhiều ý kiến cho rằng ngoài yếu tố lạm phát, NH Nhà nước cần ổn định được tính thanh khoản của hệ thống NH, lãi suất sẽ giảm. Nhưng ổn định bằng cách nào? Theo một số chuyên gia kinh tế: Bài học kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy: Năm 2011, lạm phát của quốc gia này chỉ 5% nhưng NH Trung ương Trung Quốc đã tăng dự trữ bắt buộc đối với NH lớn lên 21% để điều tiết vốn giữa các NH. Còn dự trữ của các NH ở Việt Nam chỉ ở mức 3% (tức NH huy động được 100 đồng phải nộp về NH Nhà nước chỉ 3 đồng) dù lạm phát trong nhiều năm qua luôn từ 18% trở lên. 
Một thực tế khác là không ít NH của Việt Nam vay vốn từ NH nước ngoài chỉ là tín chấp. Trong khi đó, NH trong nước muốn vay vốn NH bạn (thị trường liên NH) để bù đắp thanh khoản phải có tài sản thế chấp, làm cho thị trường liên NH của Việt Nam suy giảm uy tín và gần như đóng băng. Đây là vấn đề mà các thành viên tham gia thị trường đều nhìn thấy nhưng tại thời điểm này, NH Nhà nước vẫn chưa có giải pháp khai thông thị trường liên NH.
Một số chuyên gia tài chính đề xuất: NH Nhà nước cần tăng mạnh dự trữ bắt buộc đối với 12 NH lớn, rồi dùng số tiền đó cho các NH đang khó khăn về vốn vay lại sẽ giải quyết được vấn đề thanh khoản. Khi đó, chính sách tiền tệ mới thực sự linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Thy Thơ (theo NLĐ)