Nhưng đáng buồn là hiện nay, không ít du khách đến Huế lại không dám đi xích lô. Nguyên nhân do những nhũng nhiễu liên quan đến hoạt động này chưa được tầm soát hiệu quả.
Tại các hội nghị bàn giải pháp chấn chỉnh hoạt động xích lô, nhiều bất cập được phản ánh như nạn chèo kéo, tranh giành khách; nạn cò mồi, chặt chém, phá giá, ứng xử thiếu văn hóa với du khách...Ngoài những hoạt động chấn chỉnh nhỏ lẻ, cách đây gần 4 năm, trước thềm Festival Huế 2012, một đề án quản lý hoạt động xích lô du lịch đã được Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch triển khai, cùng các giải pháp cụ thể như ban hành quy chế quản lý; giao trách nhiệm cho các phường; thực hiện niêm yết giá dịch vụ; tăng cường kiểm tra, xử lý; tuyên truyền, giáo dục ý thức cho đội ngũ hành nghề xích lô... Nhưng sản phẩm du lịch này vẫn không có sự biến chuyển tích cực về chất lượng.
Mới đây, trước thềm Festival Huế 2016, một hội nghị về quản lý xích lô đã được tổ chức, với sự chủ trì của Sở Kế hoạch Đầu tư cùng sự tham dự của các sở, ngành liên quan. Trong nhiều giải pháp được đề xuất, lãnh đạo Sở kế hoạch Đầu tư đặc biệt quan tâm đến giải pháp lâu dài. Đó là xây dựng đề án quản lý kinh doanh xích lô, thành lập tổ kiểm tra liên ngành, xử lý những vụ việc xảy ra hàng ngày để công tác quản lý đạt hiệu qủa. Đây chính là vấn đề mấu chốt bởi những bấp cập liên quan đến hoạt động xích lô lâu nay xuất phát từ sự lỏng lẻo trong quản lý. Trong tổng số gần 3.000 chiếc xích lô trên thành phố Huế hiện nay, chỉ có khoảng 2/3 là tham gia nghiệp đoàn, tổ đội. Gần 1.000 xích lô còn lại hoạt động tự do, hoàn toàn thả nổi.
Hy vọng với những giải pháp chặt chẽ hơn, sâu hơn, quyết liệt hơn, hoạt động xích lô nói chung và xích lô du lịch Huế nói riêng sẽ được cải thiện, góp phần lành mạnh môi trường du lịch-văn hóa Huế. Để du khách đến Huế không còn sợ xích lô nữa.
NHẬT NGUYÊN