Ở một khía cạnh khác, theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Phát triển châu Á vừa được công bố sáng 13/4, số doanh nghiệp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là hơn 71.000, tăng hơn 22% so với năm 2014, dù số doanh nghiệp thành lập mới và tái hoạt động còn tăng nhanh hơn. Điều ngày cho thấy, tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân; trong đó yếu tố có gánh nặng về chi phí kinh doanh cao (gồm cả chi phí chính thức lẫn phi chính thức); thủ tục hành chính còn rườn rà, việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn… gặp nhiều khó khăn. Quả thật, môi trường kinh doanh của chúng ta còn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách về thể chế, bộ máy hành chính phải năng động hơn và sát cánh với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn trước mắt cũng như trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi các hiệp định kinh tế thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết và sắp có hiệu lực.

Với Thừa Thiên Huế, theo báo cáo của UBND tỉnh, trong quý I/2016, toàn tỉnh có 116 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 3,6% so với cùng kỳ, nâng tổng số lên trên con số 6 nghìn doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 30.3887 tỷ đồng; cấp 2 giấy chứng nhận đầu tư trong nước, giảm 50% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký 110,7 tỷ đồng, giảm 58,7% so với cùng kỳ; cấp 3 giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1,39 triệu USD, bằng về số dự án, giảm 35,82% số vốn so với cùng kỳ. Một điều đáng quan tâm khác, cũng trong quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh lần đầu tiên có mức tăng trưởng âm, với mức giảm 3% so với cùng kỳ, cách biệt khá xa con số 7,79% của quý I/2015. Trong đó, sản xuất bia- ngành đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 30% giảm 23,4% so với cùng kỳ, do cạnh tranh thị trường gay gắt…. Những con số đó thể hiện, các doanh nghiệp Thừa Thiên Huế đang còn gặp rất nhiều khó khăn, cần đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Để trợ lực cho doanh nghiệp, năm 2016 được tỉnh chọn là Năm Doanh nghiệp, với rất nhiều giải pháp cụ thể, từ việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, đất đai… đến thường xuyên đối thoại, lắng nghe để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Có thể thấy rõ khi thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai thuế, thủ tục hải quan đều được rút ngắn đáng kể. Ngoài UBND tỉnh, các ngành như kế hoạch đầu tư, thuế, hải quan… cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt doanh nghiệp để lắng nghe, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc đề xuất những chính sách, giải pháp nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Những nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ rất hữu ích và có ý nghĩa nếu các doanh nghiệp dám đương đầu và vượt qua những thách thức trong môi trường cạnh tranh khốc liệt để hoạt động hiệu quả hơn, góp phần  thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Hoàng Giang