Đem đến triển lãm tác phẩm vẽ thiếu nữ bên hoa sen mềm mại và tinh tế, họa sĩ Trịnh Tuân (Hà Nội), người cùng với họa sĩ Ng Bee (Malaysia) thành lập Asia Art Link, chia sẻ: “Thiên nhiên và phụ nữ là hai điều luôn hiện hữu trong tác phẩm của tôi. Cứ mỗi mùa hạ về lại nhớ những đầm sen ở lăng Tự Đức, nó gợi cho tôi sự thanh khiết và tĩnh lặng”.
Không vẽ một cái gì cụ thể nhưng ý niệm đó đọng lại trong tác phẩm của Trịnh Tuân, người gắn bó với Huế từ nhiều năm nay. Đã 4 lần tổ chức triển lãm tại Việt Nam và đây là lần đầu tiên Asia Art Link quyết định tổ chức triển lãm tại Huế song song với triển lãm cùng tên ở Hà Nội bởi, theo họa sĩ Trịnh Tuân, “Việt Nam giàu có về văn hóa và mỗi vùng miền có một sắc thái khác nhau, nhưng Huế là một thành phố có thiên nhiên tươi đẹp nhất. Thiên nhiên tươi đẹp ở Huế làm dâng trào trong tôi nhiều cảm xúc và những người bạn quốc tế tham gia triển lãm cũng bất ngờ trước vẻ đẹp này. Lần sau chúng tôi sẽ trở lại”.
Tham quan triển lãm |
Ở một góc nhìn khác mang tính triết lý, tác phẩm "Tôi" của họa sĩ Nguyễn Đức Huy thể hiện cuộc sống qua những hình tượng mang tính biểu tượng. “4 bức tranh sơn mài trong tác phẩm là dấu cộng của cuộc sống và mang tính triết học, họa sĩ Nguyễn Đức Huy cho hay. Đó là hạnh phúc với hình tượng hai người ôm nhau, là danh vọng và ảo tưởng với hình tượng đỉnh núi và vực sâu, là cao thấp hay sang hèn, là cái chết và sự sống...”.
Trong khi đó, tiếng vọng từ thiên nhiên lại gợi cho họa sĩ Nguyễn An xúc cảm để cho ra đời tác phẩm “Sinh ra - Để sống” mang tính phồn thực. “Được sinh ra trong cuộc đời là một diễm phúc, một niềm vui cha mẹ ban tặng. Nhưng sau khi ra đời, con người phải sống trong một môi trường ngột ngạt, phải đấu tranh với nhiều thách thức của cuộc sống để sinh tồn. Đó là ý tưởng mà mình muốn chuyển tải”, họa sĩ Nguyễn An nói.
Cũng về chủ đề thiên nhiên, tác phẩm “Hành tinh trái đất 2016 - Hành tinh vô hình 2060?” của tác giả Trần Hữu Nhật là tiếng vọng đau đáu của thiên nhiên trước sự tàn phá của con người. “Dự cảm xấu trong tương lai gần, tất cả sẽ tan vào hư không, chính sự “vô minh” của loài người đang làm tan hoang vũ trụ, gây bao tai họa hủy diệt và khổ đau không cần thiết. Từ ngược đãi “Mẹ hiền trái đất” cho đến công phá mặt trăng lẫn mặt trời. Hãy thức tỉnh, giáo dục, hành động ngay từ bây giờ, hãy cứu lấy hành tinh xanh trước khi quá muộn!”, đó là ý tưởng mà họa sĩ Trần Hữu Nhật muốn chuyển đến người xem qua tác phẩm mang hình tượng quả đất... vô hình chỉ còn mỗi chiếc giá đỡ.
Tác phẩm “Sinh ra - Để sống” của họa sĩ Nguyễn An |
Hơn mười năm “tuổi đời”, Asia Art Link đã mang nhiều họa sĩ và tác phẩm Việt Nam ra với quốc tế cũng như đón nhiều nghệ sĩ quốc tế tới Việt Nam. Công chúng Việt Nam biết đến nhiều tác phẩm nghệ thuật của những họa sĩ quốc tế qua các triển lãm “Hanoi Meeting” (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 2008), “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” (Bảo tàng Mường, Đại học Văn Hóa 2012), “Sau cơn bão” (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 2014), “Kết nối Hà Nội tháng ba” (Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp 2016)… và công chúng trong khu vực được biết đến nghệ sĩ và nghệ thuật Việt Nam qua các triển lãm và festival ở Malaysia (Sasaran, Pulaw Ketam), Đài Loan (Bamboo Village), Phillipines (Manila), Thái Lan (Naresuwan)…
Asia Art Link là một nhóm kết nối các họa sĩ châu Á để cùng nhau trưng bày các triển lãm nghệ thuật hoặc chung tay tổ chức những sự kiện nghệ thuật vì những mục tiêu chung. Được thành lập ban đầu bởi họa sĩ Trịnh Tuân (Việt Nam) và họa sĩ Ng Bee (Malaysia) năm 2005, nhóm Asia Art Link đã góp phần tạo ra những tiền lệ mới ở Việt Nam khi là điểm hội tụ những đồng nghiệp làm sáng tác, tổ chức độc lập với các ban ngành và mô hình hội nhóm trước đây. |
Khi nhìn lại các triển lãm mà nhóm đã trưng bày, các thành viên của Asia Art Link chợt nhận ra: thiên nhiên vô tình được chọn là mẫu số chung trong tất cả các hoạt động. Họa sĩ Nguyễn Văn Hè, câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ thành phố Huế cho biết, các chuyến đi mà Asia Art Link đưa các nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài cũng hướng tới những điểm đến gắn với thiên nhiên tươi đẹp.
Những festival, triển lãm và trại sáng tác ở Bamboo Village (Yilan - Đài Loan), đảo Pulaw Ketam, làng chài Sasaran (Malaysia) đều là những nơi mà nghệ sĩ và nghệ thuật được giao hòa với thiên nhiên. Và các nghệ sĩ cũng giao lưu gắn bó với người dân bản xứ, cảm nhận sự tươi đẹp của thiên nhiên không chỉ từ môi trường mà còn từ tính cách hồn hậu, tự nhiên trong mỗi người dân.
Bởi vậy, khi xây dựng khung chương trình cho triển lãm của Asia Art Link tại Hà Nội năm 2016, cả nhóm nhận thấy không nên và không thể tách rời bản tính hướng tự nhiên trong mỗi thành viên. “Dù có trở về phòng vẽ riêng biệt, trở về với môi trường đô thị quen thuộc thì tự nhiên vẫn là phần không nhỏ trong tâm hồn mỗi người. Tiếng gọi của tự nhiên vẫn bền bỉ vang vọng, dù trầm lắng ẩn sau những âm thanh ồn ã thường nhật. Cái tên “Tiếng vọng từ thiên nhiên” được hình thành từ đó.
Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế, triển lãm Tiếng vọng từ thiên nhiên thực sự đã nối kết các nghệ sĩ trong nước và khu vực. Mỗi người có phong cách riêng nhưng giữa họ có chung một nhịp đập về môi trường, về thiên nhiên. Triển lãm thực sự là một sân chơi thú vị, một diễn đàn để nghệ sĩ trong khu vực gặp gỡ, giao lưu; mang nghệ thuật Việt Nam ra với thế giới và đem thế giới nghệ thuật đến với công chúng ở Huế.
Bài, ảnh: Ngọc Hà