Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow. Ảnh: PressTV

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ​​sẽ xem xét việc chuyển nhân viên an ninh đến Libya để giúp ổn định đất nước đang trong tình trạng hỗn loạn và Phó Tổng Thư ký NATO Alexander Vershbow nói rằng, tổ chức quân sự này cũng có thể đóng một vai trò nhất định.

"Các hoạt động nhằm hướng tới việc củng cố Chính phủ đoàn kết dân tộc mới của Libya là đáng khích lệ và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chính phủ nếu được yêu cầu", ông Vershbow nói khi được hỏi liệu NATO cũng có thể tham gia.

"Hai năm trước, chúng tôi đã tiến rất gần đến việc thực hiện một chương trình hỗ trợ chính quyền lúc bấy giờ ở Libya để phát triển và cải cách các tổ chức phòng thủ của nước này. Nếu chính phủ mới yêu cầu sự hỗ trợ từ NATO, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ họ", ông Vershbow nói với các phóng viên tại Diễn đàn An ninh Globsec được tổ chức tại thủ đô Bratislava, Slovakia.

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của EU sẽ tổ chức một bữa ăn tối đặc biệt tại Luxembourg vào ngày mai (18/4), nơi họ dự kiến ​​sẽ xem xét nhiệm vụ đào tạo cảnh sát và lực lượng bảo vệ biên giới cho Libya. Sự hỗ trợ ban đầu sẽ được triển khai ở Tripoli, nơi Chính phủ mới của Libya đang cố gắng tự xây dựng.

Trong một ý kiến ​​riêng về cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO vào ngày 20/4 tới đây, ông Vershbow khẳng định, NATO sẽ kêu gọi việc thực hiện thỏa thuận Minsk ở phía đông Ukraine, đồng thời thảo luận với Moscow về tình hình tại Afghanistan.

Cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO ở Brussels sẽ là cuộc họp đầu tiên của Hội đồng kể từ năm 2014. Được biết, NATO đóng băng quan hệ hợp tác với Nga năm 2014 sau khi nước này sáp nhập Crimea và bắt đầu chiến sự ở miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, ông Vershbow khẳng định: "Cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO sắp tới không báo hiệu việc bình thường hóa quan hệ giữa NATO với Nga. Đây là việc nối lại các cuộc đối thoại, không phải bình thường hóa quan hệ".

Lê Thảo (Lược dịch từ PressTV & Reuters)