Các tòa nhà trong không khí ô nhiễm ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 19/4/2016. Ảnh: Reuters

Một phân tích về nồng độ các hạt bụi khí gây ô nhiễm không khí (gọi là PM2.5) nhấn mạnh tính hiệu quả của các chính sách mà Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện để làm sạch không khí ở các trung tâm dân cư chính dọc theo bờ biển phía Đông, bao gồm các khu vực xung quanh Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông, Greenpeace Đông Á cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo tổ chức này, tình trạng ô nhiễm không khí ở các khu vực miền Trung và miền Tây đang ngày càng trầm trọng hơn do việc đầu tư vào các nhà máy điện đốt than ở những khu vực này tăng lên, "nhất là do các quy định về khí thải cũng lỏng lẻo hơn".

Ngày hôm qua (19/4), Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã phát hành một báo cáo nhấn mạnh đến một số cải thiện trong chất lượng không khí trong quý đầu tiên của năm nay. Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã phân tích dữ liệu của một số thành phố ở quy mô nhỏ hơn, nhưng nhìn chung, kết quả của Bộ khá phù hợp với báo cáo của tổ chức Greenpeace.

Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc trong những năm gần đây đã bắt đầu chú trọng việc giải quyết vấn đề môi trường của đất nước, tập trung nhiều nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí ở 3 trung tâm dân cư chính ở phía đông, bao gồm khu vực Bắc Kinh - Hà Bắc - Thiên Tân, vùng đồng bằng sông Dương Tử, và châu thổ sông Pearl.

Các thành phố ở miền Trung và miền Tây của đất nước phần lớn vẫn nằm trong danh sách các khu vực đô thị có chất lượng không khí tồi tệ nhất, trong đó 5 khu vực đầu bảng nằm ở phía tây Tân Cương, báo cáo của Greenpeace cho hay.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & CNA)