Ngành dệt may đang thiếu lao động có tay nghề. Ảnh: Võ Nhân

Xây dựng cơ chế tiền lương kèm các chính sách đãi ngộ như tổ chức các đội xe đưa đón công nhân, xây dựng nhà ở miễn phí, hỗ trợ tiền xăng xe và chi phí nhà trọ... để thu hút lao động nguồn lao động tại chỗ và từ các tỉnh phía nam về Huế là điều mà các doanh nghiệp đã đưa vào như một chiến lược trong thời gian vừa qua, nhất là khi các doanh nghiệp đầu tư thêm dây chuyền để đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, việc thiếu thầy, thiếu thợ và sự cạnh tranh để thu hút nguồn lao động ở lĩnh vực này đang trở thành một áp lực đối với chính các doanh nghiệp dệt may.

Nhìn từ các vấn đề lao động nghề may, có thể nhận thấy khi áp lực phục vụ mở rộng sản xuất tăng lên, nguồn lao động không đủ, việc cạnh tranh bằng nhiều cách chắc chắn sẽ là điều phải nghĩ đến. Người lao động hẳn nhiên sẽ được hưởng lợi trong những hấp lực mà người sử dụng lao động đưa ra khi họ tự mình phân tích phần được thụ hưởng từ giá trị ngày công. Đây cũng là quy luật sòng phẳng và các bên cùng nhau chia sẻ quyền lợi. Điều cần bàn là ở chỗ, nguồn lao động không nhiều, chất lượng lao động chưa cao, lại thêm sự dịch chuyển lao động (có thể có) giữa các công ty sẽ là một áp lực trở lại, trước hết là cho các doanh nghiệp về chất lượng giá trị ngày công, là sự thiếu an tâm khi sử dụng nguồn lao động phập phù và khó có thể mở ra những kế hoạch dài hơi trong phát triển. Về phía người lao động, thiếu gắn bó sẽ tạo tâm lý không ổn định. Sự ngắn hạn trong người lao động và người sử dụng lao động do vậy chỉ là mối quan hệ lỏng lẻo, thiếu bền vững, kéo theo những vấn đề chung khác mà cả hai bên cùng mất mát: không thực sự chuyên tâm, không mặn mà trong những khóa đào tạo nâng tay nghề, quyền lợi lâu dài khó được ghi nhận. Những điều này sẽ tạo nên một chu trình lòng vòng, thiếu chuyên nghiệp và chắc chắn là điều không ai mong muốn.

Nhìn hẹp hơn về nguồn nhân lực có nghề, chắc chắn để duy trì và mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp trước hết phải tự mình xoay xở và điều này lắm khi cũng khá nhọc nhằn trong tình trạng thiếu cả thầy lẫn thợ. Có thể thấy điều gì khi quản lý các doanh nghiệp không ít lần chia sẻ về những khó khăn mà họ gặp phải khi lao động của họ chủ yếu chuyển từ nghề nông nên năng suất thấp, kỷ luật yếu và chưa có tác phong công nghiệp? Có thể nhận thấy điều gì khi gần đây, có không ít các lao động có bằng cử nhân nhưng đều ở các ngành đào tạo khác, chưa có kỹ năng nghề và để sử dụng được, các doanh nghiệp đều phải tự đào tạo lại bằng các khóa ngắn hạn, hoặc liên kết với các trung tâm đào tạo từ TP Hồ Chí Minh đối với những lớp cần kỹ năng cao hơn? Ở đây cũng cần nói thêm rằng, các doanh nghiệp cũng không hề an tâm khi tuyển dụng công nhân có bằng cử nhân vì sự thiếu ổn định, khi đây chỉ là công việc mang tính tạm thời, hoặc trước mắt là tạm thời trong khi chờ những cơ hội khác.

Đang có sự bỏ ngỏ và bất ổn ở việc cung ứng nguồn nhân lực cho lao động này, nhất là khi Thừa Thiên Huế đã xác định trở thành một trong những trung tâm dệt may. Ngoài khoảng trống thị trường, còn thêm những lãng phí đến từ phía khác khi có không ít những trung tâm dạy nghề vẫn èo uột vì không có học viên; những nguồn đầu tư hạ tầng và thiết bị không phát huy được năng lực; lãng phí về tiền của, thời gian và lãng phí cả những mong mỏi của phụ huynh khi sau 4 năm đại học, sinh viên ra trường vẫn tiếp tục bổ sung vào đội ngũ không tìm được việc làm như chuyên ngành đã đào tạo. Lại một lần nữa, vấn đề được đặt ra ở đây là sự thiếu vắng của khảo sát nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến khoảng trống khá mênh mông trong đào tạo nghề; là mâu thuẫn xem ra vẫn dằng dai lắm giữa tâm lý, thói quen của người dân trong sự học mang tính mưu cầu và khả năng thuyết phục trong tư vấn, hướng nghiệp cho lớp trẻ.

Hoàng Mai