Chuẩn bị tác phẩm cho triển lãm phố tranh tại đường Lê Ngô Cát

Luyện tập hăng say

Thời điểm này, không khí làm việc các diễn viên, nghệ sĩ hăng say, khẩn trương từ mùng 8 Tết đến nay, không nghỉ cả thứ 7, chủ nhật. Dẫu trời nắng gắt, các nghệ sĩ vẫn say sưa hát, múa... 

Lần đầu tiên, tổng đạo diễn festival là nghệ sĩ “nhà”, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế là một trong những đơn vị chủ lực đảm nhiệm chương trình chính nên các nghệ sĩ càng khao khát cống hiến, càng thấy mình có trách nhiệm phải biểu diễn thật hay, ấn tượng. NSND Kiều Oanh, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế chia sẻ: “Năm nay, nhà hát là đơn vị chủ lực trong chương trình khai mạc, bế mạc, Huế dịu dàng - Về miền Hương Ngự nên khối lượng công việc nhiều hơn. Lần đầu tiên người Huế làm tổng đạo diễn nên anh em nghệ sĩ quyết tâm góp sức để tạo được ấn tượng trong lòng du khách gần xa”.

Nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế biểu diễn trong lễ khai mạc Liên hoan sân khấu hài kịch không chuyên toàn quốc – một hoạt động trong khuôn khổ Festival Huế 2016

Từng tham gia nhiều hoạt động tại các kỳ festival, trong đó có vai trò biểu diễn, làm MC nhưng đây là lần đầu tiên NSND Kiều Oanh biểu diễn hát chầu văn trong chương trình khai mạc Festival Huế. Lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn trong vai trò là nghệ sĩ biểu diễn tiết mục “đinh”, chị rất hào hứng và thấy vinh dự, tự hào. NSND Kiều Oanh bày tỏ: “Năm nay, NSND Ngọc Bình muốn dàn dựng chương trình khai mạc đậm đà chất Huế nên chọn tiết mục hát chầu văn. Không cho phép mình lơ là, tôi cũng tập luyện hết mình để không phụ sự mong đợi của khán giả”. NSND Kiều Oanh còn làm trợ lý đạo diễn, chịu trách nhiệm đốc thúc anh em nghệ sĩ tập luyện nên công việc của chị nhiều hơn.

Quy tụ

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT cho biết: “Trong các kỳ diễn ra Festival Huế đều có sự tham gia tích cực của văn nghệ sĩ với những công trình, phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật. Họ hồ hởi, thấy cần có trách nhiệm chủ động tham gia hoạt động trong lĩnh vực của mình. Không chỉ vậy, anh chị em còn “rủ rê” văn nghệ sĩ từ nơi khác đến cùng tham gia, tạo nên sự cộng hưởng lớn cho mỗi kỳ festival”.

Hoàn thiện tác phẩm chuẩn bị cho triển lãm

Các nhà văn, nhà thơ xắn tay tổ chức Festival Thơ Huế, hội tụ nhiều bạn thơ trên khắp cả nước về dự. Năm nay, tinh thần thơ Huế trẻ, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đặc biệt là sự đổi thay của mảnh đất xứ Huế trên tinh thần kế thừa truyền thống sẽ xuyên suốt trong Festival Thơ. Nhà thơ Đông Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn tỉnh tiết lộ: “Ngoài ra mắt tác phẩm thơ, Festival Thơ Huế còn có sự tham gia của các họa sĩ trong phần trình diễn thơ. Trong quá trình các nhà thơ trình diễn tác phẩm của mình thì 5 họa sĩ sẽ vẽ xong một bức tranh. Đó là sự song hành giữa thi ca với hội họa và cũng là điểm nhấn cho chương trình. Ngoài ra, phần trang trí sân khấu cũng đang được chuẩn bị công phu để không gian thơ gần với công chúng yêu thơ hơn”.

Ngoài phố tranh, triển lãm của các cá nhân, triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Hội tụ sắc màu” Huế - Sài Gòn – Hà Nội tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là một triển lãm đặc sắc quy tụ sự tham gia của các họa sĩ tiêu biểu ở 3 miền: 10 tác giả ở Hà Nội, 10 tác giả ở TP Hồ Chí Minh và 20 tác giả thuộc các thế hệ họa sĩ ở Huế. “Gói gọn trong 3 thể loại: hội họa, đồ họa và điêu khắc, các họa sĩ sẽ giới thiệu với công chúng tác phẩm tiêu biểu của mình. Từ đó, tạo ra bản sắc riêng của các vùng miền để phòng tranh hấp dẫn công chúng”, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh giới thiệu.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN