Từ kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá chết ở cả Hà Tĩnh và Quảng Bình, tuy chưa tìm ra yếu tố cụ thể nào của môi trường nước làm cho cá chết bất thường, nhưng nguyên nhân bước đầu được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc. Trong đó, yếu tố gây độc trong nước tại biển Hà Tĩnh bắt nguồn từ nước thải ra môi trường chưa được xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước biển. Theo nhận định, có thể nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh theo dòng hải lưu đẩy vào dọc bờ biển phía Nam gây nên hiện tượng cá chết ven biển từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế thời gian qua.

Lâu nay, chuyện cá ở các dòng sông bị chết do ô nhiễm từ chất thải, nước thải của các nhà máy từng xảy ra, nhưng chỉ mang tính cục bộ và đều xác định ngay được nguyên nhân. Nhưng nay, biển rộng bao la cũng bị ô nhiễm quả là điều đáng quan ngại. Điều này cũng dễ hiểu, bởi theo quy luật tự nhiên, nước từ suối đổ ra sông, sông đổ ra biển thì từ ô nhiễm các dòng sông đến ô nhiễm nước biển sẽ chẳng bao xa. 

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển, thời gian qua các địa phương, nhất là khu vực miền Trung có nhiều dự án đầu tư lớn nhỏ, từ cảng biển, sản xuất công nghiệp đến nuôi trồng thủy sản… vào vùng ven biển. Việc đầu tư phát triển sản xuất là cần thiết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương và nâng cao đời sống người dân. Tất nhiên, khi phát triển sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản sẽ khó tránh khỏi tác động đến môi trường, nhưng có khác chăng là mức độ ô nhiễm và ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của mỗi doanh nghiệp. Nhưng đáng tiếc,  một số đơn vị, cá nhân vì lợi ích cục bộ, trước mắt mà bất chấp những thiệt hại cho môi trường. Ở tỉnh ta thời gian qua tình trạng ô nhiễm môi trường biển đã xuất hiện do người dân đổ chất thải nuôi heo, xả nước thải nuôi tôm chưa qua xử lý ra biển. Một số sở sản xuất cũng bị liệt vào danh sách “đen” gây ô nhiễm môi trường như làng nghề sản xuất vôi hàu Lăng Cô (Phú Lộc).

Trong xu hướng phát triển hiện nay, yêu cầu đặt ra phải hài hòa giữa phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy việc cân nhắc, quyết định đầu tư là vô cùng quan trọng. Nhắc đến chuyện này, tôi lại nhớ đến quyết định không đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Cù Dù (Lộc Vĩnh, Phú Lộc) trước đây. Nếu xây dựng nhà máy, mỗi năm tỉnh sẽ thu trên 1 nghìn tỷ đồng (tăng gấp đôi thu ngân sách thời điểm đó). Nhưng đổi lại cả khu du lịch Lăng Cô và cảng Chân Mây có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường. Bây giờ nhìn lại, quyết định không cho đầu tư nhà máy nhiệt điện ở Cù Dù là sáng suốt, nếu không chẳng có “dự án tỷ đô” đầu tư cho du lịch ở Cù Dù và phát triển cảng du lịch ở Chân Mây.

Từ câu chuyện trên cho thấy, để giải quyết bài toán môi trường trong quá trình phát triển có nhiều việc phải làm, từ công tác quản lý nhà nước, chế tài xử lý vi phạm đến các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường thì tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, quản lý là điều vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng.

Hoàng Giang