Hoạt động rửa tiền ở Đức có thể vượt quá 100 tỷ euro mỗi năm. Ảnh: DW

Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Halle-Wittenberg dưới sự ủy quyền của Bộ Tài chính Đức cũng cho thấy rằng đất nước này dường như đã trở thành một "thỏi nam châm" cho các bọn tội phạm.

Các "vùng tối của khu vực phi tài chính" được đề cập trong nghiên cứu bao gồm các giao dịch về bất động sản, xe hơi và các công trình nghệ thuật, được ước tính có liên quan với khoảng từ 15.000 đến 28.000 vụ rửa tiền mỗi năm - cao hơn nhiều so với con số thực sự được đưa đến tòa án, tờ Deutsche Welle (DW) của Đức cho biết. "Tổng khối lượng rửa tiền trong các lĩnh vực tài chính và phi tài chính ở Đức dường như đã vượt quá con số 50 tỷ euros và có thể đạt trên 100 tỷ euro một năm", theo DW.

Phần lớn các hoạt động tội phạm này được đưa ra ánh sáng trong các vụ mua bán du thuyền và các mặt hàng sang trọng đắt tiền khác, ví dụ như các đồng hồ quý hiếm. Nghiên cứu cũng tiết lộ thêm rằng, rất nhiều tiền được rửa trong lĩnh vực cờ bạc và dịch vụ của các công ty đặc biệt.

Theo báo cáo, một tỷ lệ lớn trong số tiền đó đến từ nước ngoài là do tình hình tài chính hấp dẫn của Đức.

Bộ Tài chính Đức gần đây thú nhận nước này đang thiếu các biện pháp thích hợp để chống rửa tiền cấp độ khu vực, nơi mà chỉnh phủ các bang đang kiểm soát khu vực phi tài chính.

Đức không có các điều luật nghiêm ngặt liên quan đến số lượng tiền mặt mà người nước ngoài có thể mang vào và mang ra khỏi đất nước. Nỗ lực của chính phủ nhằm thông qua một đạo luật hạn chế một giao dịch đơn lẻ bằng tiền mặt ở mức 5.000 euro đã thất bại hồi tháng 2/2016 sau khi vấp phải sự phản đối của công chúng, tờ Russia Today đưa tin. Một số người Đức coi dự luật này là một nỗ lực của Berlin nhắm vào việc riêng của họ chứ không phải là để giải quyết nạn rửa tiền.

Trong tháng 3, tờ Wall Street Journal đưa tin về một nhóm tội phạm đã rửa ít nhất 5 triệu euro tại Đức. Nhóm này kiếm được tiền bằng cách buôn bán heroin ở Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý, Anh và rửa tiền ở Đức bằng cách mua các loại xe và các thiết bị nông nghiệp đắt tiền đã qua sử dụng, sau đó bán lại ở Trung Đông. Điều này có thể xảy ra, bởi vì không giống như Ý, Tây Ban Nha và Pháp, Đức không hạn chế các giao dịch bằng tiền mặt, tờ Russia Today cho biết thêm.

Bảo Nghi (Lược dịch từ DW & PressTV)