Tại Hội thảo công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2016, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thẳng thắn chỉ ra một loạt hạn chế trong nền kinh tế nước ta hiện nay.

Tái cơ cấu nền kinh tế đang dở dang

Trong số các hạn chế, theo ông Cung, tái cơ cấu nền kinh tế đang dở dang và đang không thực chất. Tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu như lấy thảm che rác chứ không phải quét rác, đó là gánh nặng của nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, theo ông Cung, đầu tư công chưa khắc phục được các tình trạng dàn trải, lãng phí, tăng trưởng dưới tiềm năng. Ông Cung đặt vấn đề: Với thực trạng này thì tiềm năng nằm ở đâu, làm gì để có thể khơi gợi tiềm năng ấy?

Rồi ông Cung trả lời: Tiềm năng nằm ở chính các điểm yếu đó là tài nguyên khổng lồ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng lãng phí, không hiệu quả… tài nguyên thiên nhiên sử dụng lãng phí, kém hiệu quả; lao động chưa phát triển, tiềm năng trong dân chưa được khai thác triệt để.

Đáng buồn hơn nữa, theo ông Cung, những yếu kém trên cũng mới chỉ là về mặt tài sản hữu hình. Còn các sáng tạo, sáng kiến, đổi mới đang bị thui chột, kìm hãm, chưa thấy động lực khơi dậy. Nguyên nhân của sự kìm hãm này chính là ở thể chế. Thể chế lạc hậu trong quản lý nhà nước, các quy định không phù hợp; các bộ máy tổ chức không phù hợp… tạo ra khung khổ kìm hãm.

 

Đặc biệt, ông Cung cảnh báo: “Mức độ hài lòng, niềm tin của dân chúng giảm dần, trong khi nguy cơ phụ thuộc bên ngoài ngày càng lớn, áp dụng hội nhập càng lớn, nguy cơ đẩy ra khỏi lề hội nhập là rất lớn”.

Vì thể, ông Cung khuyến nghị: Nhà nước ta cần sớm ban hành Nghị quyết 19 mới. Và từ các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chủ động, tích cực, quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Việc này phải hướng tới thiết lập được cơ chế thị trường điều phối, chứ không phải nhà nước điều phối, thị trường cạnh tranh mới điều phối được nền kinh tế.

Phải củng cố niềm tin

Còn ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế Chính sách vĩ mô (CIEM) cho biết, tốc độ tăng GDP trong quý I đạt 5,46% cho thấy đà phục hồi kinh tế từ cuối năm 2014 dường như còn thiếu vững chắc, chất lượng tăng trưởng không được cải thiện. 

Trong bối cảnh diễn biến không có gì đột biết, theo ông Dương, tăng trưởng kinh tế quý II có thể đạt 6,17%. Nhưng để đạt mức tăng trưởng này, cần quyết liệt thực hiện một cách có hiệu quả các quy định về tự do kinh doanh, bãi bỏ ngay các điều kiên kinh doanh ban hành trái với thẩm quyền.

Ban hành ngay nghị định xử lý các vướng mắc, mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư, nghị định 118/2015/NĐ-CP và pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản… Đồng thời, cần ban hành nghị định hoặc văn bản hướng dẫn xử lý các vướng mắc, cản trở do thiếu rõ ràng, thiếu tương thích.

Ông Nguyễn Đình Cung thì nhấn mạnh: “Điểm mấu chốt cần cải thiện là phải củng cố lại niềm tin. Cần phải xử lý dứt điểm nợ xấu để giảm lãi suất cho vay. Chính phủ không nên tăng bất cứ loại thuế, phí nào trong hoàn cảnh hiện nay. Nên chấm dứt bàn tăng phí giao thông trong 5 năm tới để tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Để tăng trưởng thực chất, cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Nhà nước cần siết lại những dự án đầu tư công và cần đầu tư cho những dự án thật sự hiệu quả, đem lại tác động cho nền kinh tế. Không nên đầu tư dàn trải, đặc biệt là những dự án không hiệu quả, lãng phí thì nên mạnh tay cắt giảm. Bên cạnh đó, nhà nước cần rà soát các khoản mục chi, loại bỏ những chi tiêu lãng phí và ban hành cẩm nang hướng dẫn đánh giá sơ bộ hiệu quả đầu tư và lựa chọn dự án ưu tiên.

TS. Nguyễn Đình Cung: Sản phẩm của Việt Nam muốn cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trước hết các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh được trong nước và lớn lên không phải nhờ quan hệ và bằng cơ chế xin cho.

Theo VOV