- ThS. LS Nguyễn Văn Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Huế: Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp người lao động (NLĐ) thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ hoặc NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải. Theo thông tin bạn cung cấp, vì bạn không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật sa thải nên theo chúng tôi, công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn thuộc trường hợp NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ.

Như vậy, nếu công ty muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn vì lý do NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ thì công ty bạn phải chứng minh được bạn không hoàn thành nhiệm vụ nghiệm thu công trình được giao (thực tế là hoàn thành nhưng chủ đầu tư lại không đồng ý) là do yếu tố chủ quan và bạn đã bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng mà sau đó vẫn không khắc phục. Ngoài ra, mức độ không hoàn thành công việc của bạn còn phải được ghi trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động và việc công trình bị ách tắc phải làm lại là do lỗi chủ quan của bạn. Tuy nhiên, công ty bạn chưa lập biên bản cũng như chưa nhắc nhở bạn bằng văn bản lần nào mà ra thông báo sau 45 ngày sẽ chấm dứt HĐLĐ với bạn và không nêu rõ lý do là không đúng với quy định của pháp luật.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, bạn có thể khiếu nại trực tiếp lên người ra thông báo chấm dứt HĐLĐ với bạn (giám đốc công ty) hoặc đề nghị hội đồng hoà giải lao động cơ sở hay hoà giải viên lao động tổ chức hoà giải. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn đối với trường hợp trên, giám đốc công ty bạn cũng phải trao đổi, nhất trí với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở (trong trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền). Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan lao động biết, NSDLĐ mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nếu bạn nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ, bạn có thể khiếu nại quyết định đó theo trình tự trên. Trường hợp không nhất trí với quyết định của giám đốc, hội đồng hoà giải lao động, hoà giải viên lao động hoặc không được giải quyết theo đúng thời hạn quy định (bảy ngày kể từ ngày gửi đơn), bạn có quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết.

 Bùi Vĩnh (ghi)