Thanh niên tình nguyện Quảng Nam khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân Lào vùng biên giới - Ảnh: T.Vũ

Láng giềng đích thực, bền chặt, dài lâu... là những gì người dân vùng biên giới Quảng Nam đã xây dựng nên.

“Vượt biên” cứu trợ

Còn nhớ trận lũ lụt kinh hoàng năm 2009, Quảng Nam tan hoang từ đồng bằng đến miền núi. Một tuần sau lũ, vùng biên giới của huyện Tây Giang vẫn còn bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Vậy mà dân Khu 7 (địa danh chỉ bốn xã vùng biên giới Tây Giang là A Xan, Gary, Ch’ơm, Tr’Hy) vẫn từng đoàn người gồng gánh áo quần, lương thực, thuốc men, muối... chuẩn bị “vượt biên” sang cứu trợ bên Lào. Trong đoàn người hối hả này có cả chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bh’Riu Liếc, các cán bộ xã và thanh niên từ các bản làng.

Năm đó, người dân ở Khu 7 quyết định mở kho thóc dự trữ để chia sẻ cho bản Tà Vàng (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông) của nước bạn Lào đang thiếu đói nghiêm trọng. Được sự thống nhất của biên phòng hai tỉnh, đoàn người Cơ Tu bắt đầu băng rừng, qua những con dốc cao, vực sâu mãi hơn hai ngày đường mới đến được bên kia.

“Nhìn những người dân Cơ Tu ở bản Tà Vàng, thực chất cũng là bà con của mình, khoác áo ấm, ăn hạt cơm trắng thay sắn khoai sau những ngày bão gió, tôi mừng rơi nước mắt. Trong chiến tranh người dân nước bạn giúp mình, bây giờ là lúc mình thể hiện cái tình, cái nghĩa, cái ơn sâu” - ông Liếc tâm sự.

Không chỉ cứu đói, việc chăm lo đời sống cho người dân Cơ Tu vùng phên giậu ở biên giới Việt - Lào này còn có cả y tế, giáo dục. Hằng năm, trạm y tế quân dân y kết hợp ở đồn biên phòng A Xan đón không biết bao nhiêu ca cứu thương, ca sinh nở mà bà con từ Tà Vàng, Kà Lừm sang đây nhờ giúp đỡ.

Đại tá Nguyễn Văn An, phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Đã thành thông lệ và cũng là điều quán triệt trong tất cả đồn biên phòng ở tỉnh, cứ hễ gặp bạn là cứu giúp cái đã, chuyện gì tính sau. Bảo vệ biên cương nhưng không cứng nhắc và tình hữu nghị chính là những hành động thiết thực như vậy!”.

Sau trận cứu đói khẩn cấp và trận lũ kinh hoàng năm 2009, đích thân chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bh’Riu Liếc đứng ra viết thư kêu gọi thành lập một quỹ với tên gọi “Quỹ nghĩa tình biên giới”. Ông Liếc hồ hởi khoe: “Năm 2015 chúng tôi đã có hơn 4 tỉ đồng từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, cộng đồng tài trợ.

Qua đó, chúng tôi đã giúp đỡ nước bạn Lào xây dựng một bản mới hoàn toàn bằng cách san ủi mặt bằng cho 36 hộ dân với 320 người sinh sống. Chúng tôi xây dựng nhà ở, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt và 5 phòng học cho các cháu. Bây giờ người dân hai nước quý nhau như anh em”.

Cơ hội làm ăn

Gần đây nhất, tháng 4-2016 đoàn cán bộ của tỉnh Quảng Nam do ông Phan Việt Cường, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, dẫn đầu đã có chuyến công tác tại Lào và nhiều câu chuyện kinh tế, nhiều dự án mới được khơi gợi ra giữa hai tỉnh, hai nước.

Ông Cường nói tín hiệu đáng mừng nhất là ngày càng có nhiều doanh nghiệp ở Quảng Nam đầu tư qua Lào, sát vùng biên giới, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân nước bạn. Theo ông Cường, chính quyền hai nước và lãnh đạo hai tỉnh đã cố gắng tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp giao thương, phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh của mỗi nước.

Là doanh nghiệp tiên phong ở Quảng Nam đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp tại huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông), ông Nguyễn Văn Trương, giám đốc Công ty cổ phần Thanh niên xung phong Quảng Nam, cho biết ông phải đi trước đón đầu bằng cách đầu tư vào nông nghiệp sạch (hơn 500ha) ở Lào mang về Việt Nam tiêu thụ khi đường sá thông thương.

“Chúng tôi cam kết với nước bạn Lào rằng sẽ tạo công ăn việc làm cho thanh niên ở đây bằng cách làm nông nghiệp sạch. Tài nguyên về nông nghiệp ở đây không thiếu, vấn đề còn lại là những cơ chế xuất - nhập khẩu giữa hai nước cần cụ thể hóa để các thỏa thuận giữa hai chính phủ hai nước thành hiện thực. Tôi cũng mong chờ những rào cản như thuế quan sẽ bãi bỏ trong nay mai” - ông Trương hào hứng vạch ra tương lai.

Thăm và chúc tết Bunpimay, làm việc với chính quyền tỉnh Champasak, một trung tâm kinh tế trọng điểm của nam Lào, ông Phan Việt Cường cho rằng lợi thế của Quảng Nam và Đà Nẵng với Champasak đều chưa khai thác hết. “Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và công nghiệp ôtô mà Quảng Nam là một thế mạnh.

Những di tích nổi tiếng ở Quảng Nam như Hội An hay Mỹ Sơn xưa nay vẫn còn bỏ ngỏ với lượng du khách đến Champasak hằng năm. Việt Nam có biển, Lào có nhiều di tích. Nếu chúng ta kết nối được thì đây rõ ràng là thế mạnh và cụ thể hóa nhất định những gì trên cung đường “Hành lang kinh tế Đông - Tây” đã vạch ra” - ông Cường nói.

Tổng bí thư -
 Chủ tịch nước Lào thăm hữu nghị chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith bắt đầu thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 25 đến 27-4.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Bounnhang Vorachith trên cương vị tổng bí thư, chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2016-2020, góp phần khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của cả hai nước, đặc biệt coi trọng, giữ gìn và không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, tăng cường sự gắn bó, tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.

Theo Tuổi trẻ