Chuyện làng tranh

Ngồi bên chõng tre, tôi nhận từ nghệ nhân Kỳ Hữu Phước bát nước chè xanh. Ông cho biết, mỗi năm làng nghề đón hơn 1 triệu lượt du khách về tham quan, mua tranh, riêng năm nay, mới hết quý 1, lượng khách đến đã bằng nguyên các năm trước.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước khắc mộc bản

Làng tranh ra đời từ khi nào không ai nhớ rõ. Nhưng hầu như bất cứ ai chỉ cần yêu thích thì có thể làm tranh được, khó là ở chỗ, muốn theo nghề phải có cái tâm. Khắc mộc bản lại càng đòi hỏi chú tâm hơn, khi làm nghĩ đến việc khác sẽ không có tác phẩm đẹp. Làng Lại Ân có 2/3 số hộ dân vẽ tranh làng Sình, nhưng chỉ duy nhất gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước khắc mộc bản. Ông Phước cho biết, nghề khắc mộc bản ít người làm vì công việc hoàn toàn làm thủ công. Mộc bản nhìn không cầu kỳ, sắc sảo như những họa tiết của nghề chạm trổ khác, nhưng nó khó hơn vì khi khắc phải chú trọng việc lấy nét. Cái khó nữa là phải giữ nguyên tắc nguyên bản. Tranh làng Sình có 3 thể loại, gồm: nhân vật, súc vật và đồ vật. Mỗi thể loại có ý nghĩa tâm linh khác nhau. Tranh nhân vật để cầu nguyện bình yên cho những người trong gia đình. Mẫu mã của thể loại này từ xưa đến nay chưa hề thay đổi; mỗi lần khắc xong một mộc bản, người thợ phải in vài mẫu để dành làm các mẫu sau. Các thể loại súc vật và đồ vật có ý nghĩa để gia chủ cầu mong cho việc trồng trọt, chăn nuôi và sắm sửa trong nhà luôn tốt đẹp, suôn sẻ. Hai thể loại này về cơ bản vẫn phải giữ nguyên tắc truyền thống, nhưng có thể thay đổi các thế của súc vật, 12 con giáp như: đứng, nằm, hoạt động; còn đồ vật, người làm tranh có thể thay đổi hình thái một chút theo thị hiếu nhưng vẫn phải giữ nguyên ý nghĩa của mỗi tác phẩm. Vì thế khi khắc mộc bản phải tỉ mỉ từng đường nét.

Khó truyền nghề

Bên cạnh yếu tố nguyên bản, công việc hoàn toàn làm bằng thủ công. Từ khi dán tranh mẫu vào ván gỗ để khắc, ngoài những dụng cụ như cưa, đục, bào… thì không có sự can thiệp nào của máy móc.

12 con giáp khắc trên mộc bản

Người ta thường dùng 3 loại gỗ để khắc mộc bản là: mức, mít và thị. Những loại cây này ngày càng hiếm. Để có đủ gỗ làm hàng, phải tìm đến những nông trường trồng hồ tiêu trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận dặn trước, chờ khi họ thay gốc mức trồng tiêu thì đến thu mua. Các loại gỗ khác hiếm hơn, người làm nghề mộc bản chờ đánh hơi ở đâu hạ mít hoặc thị thì đến thu mua. Ông Phước chỉ cho tôi kho gỗ dự trữ của ông không để thiếu gỗ làm mộc bản. Mộc bản không chỉ cung cấp cho người vẽ tranh làng Sình, nhiều người làng Lại Ân đi xa mang nghề theo cũng phải về làng mua mộc bản; một số du khách trong và ngoài nước, khi đến tham quan mua mộc bản để làm kỷ niệm chuyến đi hoặc thay thế tranh trang trí trong nhà.

Quan điểm của ông Phước không cần giữ bí quyết mà còn khuyến khích những ai muốn theo nghề làm mộc bản. Tuy nhiên, với những khó khăn của nghề khắc mộc bản tranh làng Sình nên ít người kiên trì với nghề. Đến nay ông Phước chỉ mới đào tạo thành công 2 học trò làm mộc bản. Ông tâm sự: “Nhiều năm theo nghề thì hết gần 20 năm tôi lo lắng mất nghề vì suốt thời gian đó, ở làng chỉ còn nhà tôi làm tranh. Năm 1996, đất nước mở cửa, các làng nghề được khôi phục, nghề làm tranh ở làng Sình cũng sống lại”. Mong muốn của nghệ nhân là tìm được nhiều người khắc mộc bản hơn nữa để tiếng vang của tranh làng Sình ngày một xa hơn.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết, Festival Huế năm nào ông cũng chuẩn bị hơn 1.000 sản phẩm. Năm nay cũng không ngoại lệ.

 Bài, ảnh: LAN ANH