Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc với huyện Nam Đông

Sáng 26/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương- Trương Thị Mai có chuyến thăm, làm việc tại huyện Nam Đông về tình hình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính; Phó trưởng ban Thường trực phụ trách Ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Nam Đông Trần Xuân Bình khẳng định: Đến nay, thu nhập bình quân đạt 20,9 triệu đồng/người/năm; phần lớn các hộ gia đình nông nghiệp đều có đất sản xuất; tất cả các xã đều duy trì phổ cập THCS, 22 trường đạt chuẩn quốc gia; tất cả các xã đều có trạm y tế… Phong trào Nhân dân đóng góp quỹ đất, hoa màu để xây dựng nông thôn mới luôn được đẩy mạnh. Nam Đông hiện có 5/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 12- 14 tiêu chí; giá trị Nhân dân tự đầu tư phát triển kinh tế trong 5 năm khoảng 208 tỷ đồng; trong đó, đầu tư phát triển sản xuất gần 100 tỷ. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12% xuống còn 5,6% (chuẩn cũ); tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ 12,5% nay tăng lên 35%; 7/10 xã có nhà văn hóa; 60 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt thôn...

Trên cơ sở những ý kiến phát biểu của lãnh đạo tỉnh, các đơn vị, ban, ngành và huyện Nam Đông, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng mà Nam Đông đã đạt được, nhất là những thay đổi về kinh tế, xã hội và nhân lực.

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai lưu ý, công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước. Thế nhưng Hương Sơn, xã 100% đồng bào Cơ Tu của Nam Đông lại là xã đạt chuẩn nông thôn mới là điều đáng khích lệ và cần nhân rộng. Một số tiêu chí nông thôn mới còn khó khăn cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp. Vấn đề tảo hôn cũng phải tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân. Chính niềm tin của dân đối với chính quyền địa phương là động lực, sự đồng thuận để Nam Đông vượt qua khó khăn, là điều kiện để phấn đấu đến năm 2020 huyện trở thành nông thôn mới.

Nhiều bài học được rút ra ở Nam Đông trong quá trình xây dựng nông thôn mới.  Đó là hệ thống chính trị cùng vào cuộc; cán bộ phải làm gương, đi cơ sở; nông thôn mới chính là làm cho người dân; thực hiện công khai, dân chủ; đồng thuận của người dân là bài học lớn nhất để tạo nên sự thành công.

Điều quan tâm nhất hiện nay và thời gian tới của Nam Đông là chú trọng đến kinh tế, tăng giá trị sản phẩm; thu nhập phải tăng lên, thoát nghèo phải bền vững. Nghĩa là phải chỉ ra nguyên nhân đói nghèo từ các hộ gia đình. Những xã đạt chuẩn nông thôn mới phải duy trì, nâng cao chất lượng và hỗ trợ cho các xã còn lại. Thượng Long, Hương Hữu cần phải tập trung tổng lực nhiều hơn để tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Nam Đông cần quan tâm cán bộ dân tộc ở các xã. Làm gì cũng quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Trước những khó khăn, kiến nghị của huyện Nam Đông liên quan đến việc áp giá đền bù các công trình an sinh xã hội thấp; việc đầu tư dự án nước sạch 5 xã: Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu, Thượng Nhật, Hương Giang; đầu tư xây dựng làng văn hóa dân tộc Cơ Tu, khu tái định cư A Kỳ - Thượng Long; việc thống nhất mục tiêu chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới… Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, ngân sách Trung ương đã phân bổ, tỉnh cần có sự cân đối nguồn lực hợp lý để giải quyết những kiến nghị, vướng mắc. Bàn sâu hơn vấn đề này, Ban Dân vận Trung ương sẽ trực tiếp làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

Anh Phong