Vướng các hộ có diện tích thu hồi lớn

Đến nay, 63/79 hộ dân buộc phải giải tỏa để thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (đoạn từ cửa Nhà Đồ đến Quan Tượng Đài) đã bàn giao mặt bằng đến nơi ở mới. 16 hộ còn lại hiện chưa thống nhất với phương án bố trí đất, nhà tái định cư của cơ quan hữu quan.

Nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng

Lý do chung nhất là diện tích bị thu hồi lớn, trong khi diện tích đất bố trí tái định cư chưa đảm bảo yêu cầu. Đa số họ yêu cầu bố trí thêm lô, hoặc thêm diện tích từng lô, nhà tái định cư.

Hộ ông Trương Duệ hiện có 1 hộ chính và 7 hộ phụ. Diện tích đất bị thu hồi gần 500m2. Nhà nước đã xem xét giao 2 lô đất tái định cư và 3 căn hộ chung cư. Tuy nhiên, gia đình ông Duệ yêu cầu được bố trí 5 lô đất tái định cư, tương đương với diện tích đất thu hồi.

Bà Lê Thị Trầu có diện tích đất bị thu hồi cũng gần 500m2, được xem xét giao hai lô đất tái định cư tại Hương Sơ - Hương Vinh hoặc Kim Long, giai đoạn 5 nhưng gia đình bà chưa bốc thăm nhận đất và có đơn đề nghị giao mỗi lô đất là 200m2, tăng hơn khoảng 100m2/lô so với các lô đất hiện đã quy hoạch phân lô.

Một hộ khác ngoài yêu cầu giao thêm đất tái định cư, còn để làm kho bãi kinh doanh sắt thép…

Đối với những yêu cầu này, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với TP. Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định, không có cơ sở để xem xét. Nhà nước chỉ thu hồi một lô đất, dù diện tích lớn nhưng không thể bố trí một lúc nhiều lô, trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Hơn nữa, mỗi lô đất chỉ thuộc sở hữu của một hộ gia đình, có thể hiểu là hộ chính, theo nguyên tắc, Nhà nước chỉ bồi thường cho hộ chính. Những hộ phụ chỉ có thể được xem xét bố trí 2-3 hộ/lô đất hoặc chung cư, chứ không thể mỗi hộ mỗi lô.

Với đề nghị tăng diện tích các lô đất tái định cư, lãnh đạo tỉnh cho rằng, Nhà nước không thể chạy theo dân ở từng dự án, mà phải theo quy hoạch chung. “Mỗi khu quy hoạch có hàng chục, thậm chí cả trăm lô đất, không thể vì một số cá nhân mà tăng giảm diện tích từng lô”, lãnh đạo tỉnh nói.

Tránh tình trạng tái lấn chiếm

Cũng tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Huế và các ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế trên tinh thần chung của tỉnh, sớm đền bù cho các hộ còn lại, bàn giao mặt bằng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để đơn vị này san lấp mặt bằng, tránh tình trạng người dân đã bàn giao mặt bằng nhưng đơn vị liên quan không tháo dỡ, vừa dễ xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, vừa làm chậm tiến độ dự án.

Khu nhà số 72 Ông Ích Khiêm dự kiến sẽ cưỡng chế

Với một số hộ cố tình gây khó khăn, cản trở công việc của cơ quan chức năng, sẽ tiến hành cưỡng chế. Quan điểm của tỉnh là vừa vận động, thuyết phục, vừa rà soát các văn bản để cưỡng chế. Một trong những hộ theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cần tổ chức cưỡng chế sau Festival Huế 2016 là gia đình bà Hoàng Thị Lịch, ở 72 Ông Ích Khiêm, hiện đang cho thuê kinh doanh cà phê, nhà hàng tiệc cưới Nhạc Hoa Viên. Các hộ khác, như gia đình ông Nguyễn Từ Liêm và Lê Văn Năm cũng tương tự.

Một nguyên nhân khác dẫn đến chậm tiến độ của dự án là sự vào cuộc chưa đồng bộ, chưa sâu sát của các cơ quan liên quan. Cơ sở để lãnh đạo tỉnh nói điều này là khi được hỏi về công tác giải tỏa, tháo dỡ nhà cửa của dân hiện còn chậm, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khá lúng túng và chưa nắm rõ thông tin hộ chính, hộ phụ. Ngoài phó giám đốc theo dõi dự án, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải xuống hiện trường để chỉ đạo trực tiếp công tác tháo dỡ công trình, nhà cửa sau bàn giao, tránh nhếch nhác, nhất là khi Festival Huế 2016 đã cận kề.

Giải tỏa, đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế là dự án trọng điểm của TP. Huế, với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 77 tỷ đồng. Đến nay, đã chi trả đền bù hơn 64 tỷ đồng cho 63 hộ. Ngoài hỗ trợ bố trí đất tái định cư, Nhà nước đã xây 3 khu nhà chung cư tại Hương Sơ để bố trí cho các hộ dân, song đến nay, số hộ nhận chung cư còn ít, gây lãng phí và khiến công trình nhanh xuống cấp.

Bài, ảnh: Tâm Huệ