Nhân kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi xin trích giới thiệu hai đoạn trong văn bản này như một tài liệu tham khảo để bạn đọc có thể thấy rõ hơn những đánh giá của một “người trong cuộc” từ phía Mỹ. Điều cần nhấn mạnh rằng, ông Henry Kissinger là người đã có nhiều ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ về Việt Nam trong thời gian dài. (Đầu đề do tòa soạn đặt).

“... Về phương diện chiến thuật quân sự, chúng ta không thể không kết luận rằng quân đội của chúng ta không thích hợp với loại chiến tranh này. Ngay cả lực lượng đặc biệt được huấn luyện để làm việc này cũng không thể đánh thắng được. Điều này một phần vì bản chất của cuộc chiến tranh. Nó vừa là một cuộc chiến tranh cách mạng đánh nhau bằng dao ở trong làng trong đêm tối. Nhưng cũng có thể là một cuộc chiến tranh của quân chủ lực, trong đó kỹ thuật có thể có ảnh hưởng quyết định. Cả hai bên đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chiến thuật thích hợp cho mỗi loại chiến tranh. Nhưng chúng ta và Nam Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này hơn là phe bên kia. Ở đây, chúng ta cũng bị khó khăn vì những thái quá: Khi chúng ta biến chiến tranh thành “cuộc chiến tranh của chúng ta”, chúng ta không để cho người Nam Việt Nam chiến đấu; nhưng sau này khi nó trở thành “cuộc chiến tranh của họ”, chúng ta lại không giúp cho họ chiến đấu. Mỉa mai thay, chúng ta chuẩn bị cho Nam Việt Nam loại chiến tranh quy ước sau năm 1954 (vì dự đoán sẽ có một cuộc tấn công kiểu Triều Tiên), và họ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh chính trị; họ đã tự chuẩn bị cho loại chiến tranh chính trị sau năm 1973 để rồi phải đương đầu với chủ lực quân 20 năm sau, khi loại chiến tranh đó được dự đoán.

... Nền ngoại giao của chúng ta cũng bị thiệt hại trong tiến trình đó, và chúng ta cần phải có một thời gian mới phục hồi được. Chúng ta thường thấy Hoa Kỳ không thể duy trì một lập trường ngoại giao lâu hơn vài tuần hay vài tháng trước khi nó bị đả kích bởi chính những phần tử chính trị đã từng cổ vũ cho lập trường ấy. Cuối cùng, chúng ta lại phải thương thuyết với chính chúng ta, liên tục làm hết nhượng bộ này đến nhượng bộ khác trong khi Bắc Việt không thay đổi một chút nào mục tiêu ngoại giao của họ và thay đổi rất ít trong lập trường ngoại giao của họ. Chỉ trong lúc điều đình bí mật chúng ta mới có thể đến gần được một cuộc đối thoại chân chính, và ngay cả trong trường hợp này Bắc Việt vẫn có thể làm cho chúng ta phải liên tục chịu áp lực của công chúng. Ngoại giao của chúng ta, vì thế, thường bị hạ xuống thành những cố gắng hốt hoảng để tìm những phương thức đem lại cho ta sự hậu thuẫn nhất thời và xao lãng những khác biệt rõ rệt giữa chúng ta và Bắc Việt. Di sản của điều này còn ám ảnh chúng ta khiến chúng ta khó duy trì được một lập trường ngoại giao trong một khoảng thời gian nào đó mà không bị chỉ trích từ trong nội bộ, bất kể kẻ thù của chúng ta ngoan cố đến đâu”. 

       TS. Ngô Vương Anh (chọn và giới thiệu)