Cảm nhận về những ngày sục sôi cách mạng của mùa xuân năm 1975, ông Hồ Tứi nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đông chậm rãi câu chuyện: “Tôi là người con của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trước khi chưa có Đảng, chưa có Bác Hồ, cuộc đời đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Đông không có cơm ăn, áo mặc, không biết chữ. Cuộc sống du canh, du cư rày đây mai đó, đói cơm, nhạt muối triền miên”.

Nhiều thế hệ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Đông một lòng theo Đảng

Từ ngày có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, có cán bộ cách mạng ở đồng bằng lên giúp đỡ, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Đông mới có sự đổi thay. Biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ơn cách mạng, các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Đông đã một lòng, một dạ đi theo Đảng làm cách mạng. Để chuẩn bị cho giải phóng Thừa Thiên Huế, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngay từ tháng 3/1973, Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết về xây dựng căn cứ địa miền núi, nhằm tạo thế chiến lược liên hoàn với vùng giải phóng Quảng Trị, Khu 5, làm chỗ dựa và tạo thế bàn đạp vững chắc để tiến công về giải phóng đồng bằng, giải phóng TP. Huế.

“Việc làm đầu tiên của Đảng bộ, chính quyền là vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Đông xuống núi “về đằm” - tức là tìm vùng đất bằng để định canh, định cư, xây dựng căn cứ địa cách mạng, tổ chức sản xuất, góp sức cùng bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Công việc rất khó khăn, vì lâu nay đồng bào quen với lối du canh, du cư. Hơn nữa, từ nơi đồng bào cư trú về đến vùng định canh, định cư phải đi mất 3 đến 4 ngày đường”, ông Hồ Tứi nhớ lại. 

Ông Hồ Văn Nhung, dân tộc Cơ Tu từng là dân quân hỏa tuyến ở Nam Đông vẫn nhớ như in: “Một lực lượng lớn dân quân 4 xã: Thượng Quảng, Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Lộ được huy động để vận chuyển cấp tốc hàng chục tấn lương thực, đạn dược đảm bảo hậu cần cho Trung đoàn 6 chiến đấu thắng lợi. Bước sang năm 1974, tình thế trên chiến trường đã thay đổi theo hướng ngày càng có lợi cho ta. Khu ủy Trị - Thiên xác định hai nhiệm vụ cơ bản, trong đó nêu rõ: “Phải ra sức xây dựng vùng giải phóng và căn cứ địa cách mạng toàn diện, tổ chức hậu cần, bảo đảm chi viện phía trước và đánh thắng địch trong mọi tình huống”. Trên cơ sở chủ trương của Khu ủy và Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện đã phát động bà con các dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng hậu cần tại chỗ, bảo vệ căn cứ, xây dựng lực lượng, xây dựng chính quyền”.

Cuối năm 1974, Nam Đông có 286 du kích, 14 chi bộ Đảng, với 184 đảng viên. Một số đơn vị vũ trang của huyện cũng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu vùng giáp ranh đồng bằng ngay từ trước khi chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế 1975 mở màn. Nhớ về mùa xuân năm ấy, ông Trần Văn Đinh (75 tuổi), nguyên Bí thư Chi đoàn, nguyên cán bộ Văn phòng UBND xã Thượng Lộ không nguôi câu chuyện: “Đồng bào các dân tộc trong huyện cùng với bộ đội chủ lực, công binh, bộ đội địa phương các huyện đồng bằng và A Lưới tu sửa, mở các tuyến đường 71, 72, 73, nhất là đường 74 A Sầu, Đông Do về Khe Tre, Nam Đông dài 64km, đảm bảo cho việc cơ động lực lượng bộ đội pháo binh, xe tăng, hậu cần áp sát vùng giáp ranh, tấn công chia cắt địch phía Tây Nam Huế”.

Cuối năm 1974, sau khi tiếp thu, quán triệt tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Khu ủy Trị - Thiên và Tỉnh ủy về kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976, Nam Đông tổ chức họp Ban Thường vụ Huyện ủy phổ biến và quán triệt quyết tâm, bàn biện pháp thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy.

Theo đó, bộ đội địa phương, dân quân du kích và dân công hỏa tuyến xuống giáp ranh phối hợp cùng lực lượng các huyện ở đồng bằng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Bộ phận còn lại cùng đồng bào huy động hoa quả, rau xanh phục vụ cho bộ đội ở chiến trường”.

Lực lượng nam, nữ thanh niên hăng hái xung phong đi dân công hỏa tuyến, gùi cõng vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường, nhất là các chốt điểm cao xe không vào được. Nhiều phụ nữ, người già và cả thiếu nhi cũng xung phong đi theo bộ đội làm dân công, cấp trên không cho họ cũng đi theo. “Bom đạn Mỹ - Ngụy giết cả người già, trẻ em, phụ nữ... ai cũng tức giận, căm thù giống nhau. Bây giờ mình đi đánh lại nó, ai cũng phải có phần. Người khỏe mạnh đi bộ đôi, đi dân công, người ít khỏe mạnh như người già, phụ nữ đi theo làm việc ít hơn, nhưng nhiều người gộp lại cũng gần bằng người mạnh khỏe”, ông Hồ Văn Ne, xã Hương Hữu cho biết.

Bà Trần Văn Thăm, một trong những dân công hỏa tuyến xã Thượng Nhật xúc động: “Bà con Cơ Tu, Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Cô... ở Nam Đông ai cũng muốn đóng góp công sức mình để giải phóng đất nước. Họ cho rằng, nếu cách mạng thiếu gạo thì mình mang khoai, mang sắn đi ăn. Nhất quyết không ăn phần của bộ đội. Cái lẽ của đồng bào dân tộc thiểu số của chúng tôi là vậy đó”.

Ngày 26/3/1975, Thừa Thiên Huế được giải phóng. Không lâu sau đó, ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông, đất nước nối liền một dải.  Trong chiến công chung của toàn tỉnh, toàn chiến trường có sự đóng góp không nhỏ của Đảng bộ quân và dân đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Đông.

Bài, ảnh: Anh Phong