Nhớ lại đầu năm 2000 khi chuẩn bị cho kỳ Festival đầu tiên, không ai nghĩ lại nghiệt ngã đến vậy. Trận lụt lịch sử tháng 11/1999 đã nhấn chìm Huế và cả tỉnh trong biển nước. Những con số đau lòng khi mà có hàng trăm người chết, hàng chục ngàn người mất nhà cửa. Thiếu đói và gian khổ là cụm từ xuất hiện nhiều nhất trong đời sống của người dân toàn tỉnh. Cả nước hướng về Huế với những hoạt động tài trợ đầy nghĩa tình và kịp thời. Lụt xong, đường phố ở đô thị và nông thôn ngập trong đổ nát, lầy lội bùn non, có nơi bùn dày cả mét. Giải quyết hậu quả còn dài, trong khi đó thời gian tổ chức Festival đã được ấn định và lên kế hoạch từ nhiều tháng trước đang đến gần. Thật nan giải và cũng đầy quyết tâm. Có nhiều người đinh ninh là không còn tổ chức được nữa, thậm chí có đồng chí lãnh đạo còn phân vân nên hay không nên tổ chức. Có vui được không khi phải trải qua một trận lụt lịch sử như vậy và giải quyết hậu quả không thể một sớm một chiều. Bên cạnh đó, đây là kỳ festival đầu tiên nên chưa ai hình dung nổi nó diễn ra thế nào, từ công tác tổ chức, đoàn nghệ thuật đến công tác an ninh trật tự. Cùng với Festival còn có Trại sáng tác điêu khắc Quốc tế lần thứ nhất tại Huế với hàng chục nhà điêu khắc trong và ngoài nước. Phần lớn họ là những nhà điêu khắc có tên tuổi đến từ nhiều nước trên thế giới. Vào thời điểm đó Huế chưa có nhiều khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ như bây giờ. Diễn viên, khách du lịch đến ở đâu đó là những vấn đề nan giải cho BTC và người dân Huế.

 Công tác an ninh cho một sự kiện đã vất vả, huống hồ đây là festival tầm cỡ quốc gia mang tính quốc tế. Công tác an ninh, phòng chống tội phạm hình sự, phòng chống cháy nổ đến hướng dẫn, đăng ký cho khách quả là có nhiều việc phải lo. Thời điểm đó, chúng ta đã hội nhập và mở mang quan hệ với bên ngoài, nhưng đảm bảo an ninh cho khách nước ngoài đến tập trung vào một thời điểm thì kinh nghiệm chưa nhiều. Huế là địa phương đầu tiên được Trung ương cho phép tổ chức festival nên một số tội phạm hình sự trong cả nước tập trung đến Huế lợi dụng đông người để hoạt động. Lãnh đạo tỉnh đã phải báo cáo Bộ Công an đề nghị hỗ trợ lực lượng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ vào giúp cho Huế. Công an tỉnh đã huy động toàn lực lượng tham gia công tác bảo vệ từ điểm cho đến diện với quyết tâm cao nhất. Lần tổ chức đầu tiên thời gian kéo dài 12 ngày, các hoạt động diễn ra cả ngày và đêm nên công tác bảo vệ cũng phải căng từ đầu cho đến cuối. Từ chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ làm việc mỗi ngày từ 12 đến 14 giờ trong suốt 12 ngày đêm là lẽ bình thường. Theo quy định mỗi chương trình công tác, an ninh phải triển khai trước ít nhất một vài giờ và chỉ được nghỉ khi người xem, diễn viên đã về hết, đó là chưa kể còn phải ở lại để rút kinh nghiệm tại chỗ. Một nỗi vất vả nữa đó là Festival được tổ chức vào mùa hè nên trời quá nắng và nóng. Ngày nắng, đêm nóng, chưa kể giông tố bất thường. Tôi còn nhớ buổi chiều khai mạc trời nắng nóng ngột ngạt, trước giờ khai mạc, mưa giông ầm ầm trút nước cho đến trước khi khai mạc mới dứt. Anh em làm nhiệm vụ không được rời vị trí nên ướt như chuột lột, vậy mà vẫn phải tiếp tục bảo vệ, cho đến khi xong việc thì quần áo cũng đã khô. Điều thiệt thòi nữa là đã làm nhiệm vụ nên không được xem bất cứ chương trình nghệ thuật nào. Cũng may là Ban tổ chức quan tâm tặng giấy mời dành cho vợ con đi xem các chương trình IN ở Đại Nội và Cung An Định. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho festival thì nhiệm vụ thường xuyên vẫn phải làm, đêm về mọi người được yên giấc ngủ thì nhiều anh em lại phải đi tuần tra diện rộng và tại các sân khấu khi mà các trang bị âm thanh ánh sáng đang để nguyên tại chỗ. Sáng mai thức dậy, mắt đang cay xè vẫn phải tiếp dân, làm những nhiệm vụ thường xuyên không thể bỏ qua. Lại còn chuyện ăn ngủ hàng ngày cũng lắm gian nan. Đi làm từ 4- 5 giờ chiều nên phải ăn tạm ba miếng từ sớm, tối về bụng đói chế gói mì tôm ăn vội vàng rồi leo lên bàn ngủ một giấc để lấy sức mai còn đi làm tiếp.

Vậy đó, công tác an ninh cho festival những ngày đầu quá nhiều vất vả nhưng bù lại là đã góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho festival. Qua những kỳ đầu vất vả, căng thẳng đến nay có thể nói công tác bảo vệ đã có kinh nghiệm,đi vào nề nếp. Anh em hay nói đùa với nhau là các kế hoạch bảo vệ trở thành “công nghệ” thường xuyên trong công tác an ninh cho festival.

Đôi điều ghi lại để nhớ về kỳ festival đầu tiên và tin tưởng festival lần thứ 9 năm nay tiếp tục thành công trên đất Huế.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH