Cầu nối giữa Đảng với dân
Lên xã Hồng Hạ, hỏi già làng Côn Xuông ở làng Pa Ring, thì ai cũng biết. Với người dân nơi đây, già làng Côn Xuông chính là pho sử sống, người đặt nền móng khai canh xã Hồng Hạ trên vùng đất mới ở bên Quốc lộ 49A ngày nay.
Già làng Côn Xuông, người khai canh xã Hồng Hạ
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ, được bao phủ bởi cây rừng, xung quanh là hồ cá, già làng Côn Xuông mặc dù tuổi cao nhưng vẫn còn minh mẫn. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về lịch sử xã Hồng Hạ, ông vui vẻ kể về những ngày cùng dân làng người Ka Tu, Pa Cô, Pa Hy ở xã Hồng Hạ lấn đất, diệt địch xây dựng bản làng. Với ông, những năm tháng đó sẽ mãi không bao giờ quên.
Già làng Côn Xuông nhớ lại: “Trước đây, người dân ở xã Hồng Hạ (chủ yếu là đồng bào Ka Tu, Pa Cô) sinh sống ở gần con sông A Sáp ở bên dãy Trường Sơn. Sau khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, thực hiện chủ trương của Đảng và cấp trên, tôi và anh Vỗ Di, nguyên Chủ tịch Mặt trận xã Hồng Hạ được giao nhiệm vụ vận động người dân Hồng Hạ ở quận 3 cũ (nay là khu vực xã Hương Phong) về vùng đất mới được giải phóng dưới chân đèo A Co lập làng, với nhiệm vụ vừa khai hoang sản xuất, vừa tổ chức lực lượng tấn công lấn địch ở phía bên kia đèo Tà Lương. Sau một thời gian vận động, đến tháng 10/1974, 40 hộ dân người Ka Tu, Pa Cô đầu tiên đã tình nguyện vượt rừng, băng qua đèo A Co về vùng đất xã Hồng Hạ ngày nay sinh sống và đấu tranh giành đất lấn địch”.
Ngay sau khi lập làng, ổn định cuộc sống cho người dân, ông cùng với các cộng sự của mình tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tại chỗ, phối hợp chặt chẽ với người dân tiến hành những trận đánh quấy rối địch ở đèo Tà Lương, làm cho địch phải hoang mang lo sợ. Với phương châm địch rút đến đâu, đưa dân đến đó sinh sống để lấn địch giữ đất, ông đã đưa người dân Ka Tu, Pa Cô về lập nghiệp trên mảnh đất xã Hồng Hạ.
Ông đã chỉ huy đồng bào Ka Tu, Pa Hy, Pa Cô tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt sinh lực địch ở đèo Tà Lương. Bản thân ông bắn cháy được hai chiếc máy bay, tiêu diệt 12 tên địch ở thượng ngồn sông Bồ”.
Người đảng viên kiên trung
Sau ngày đất nước giải phóng, già làng Côn Xuông được tin tưởng giao giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Hồng Hạ lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế. Năm 1977, ông xin thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Ông bảo: “Đánh giặc thì tui không ngại. Nhưng để cho dân bản có cuộc sống ấm no, cuộc sống ngày càng đi lên thì phải dựa vào lớp trẻ có học. Mình không có trình độ sao có thể hướng dẫn dân bản làm giàu được. Tham chức mà làm cuộc sống người dân bị ảnh hưởng thì không nên”.
Năm 1985, ông nghỉ hưu, về dựng một căn nhà sàn theo kiểu người Ka Tu xưa để sinh sống bên người vợ hiền. Trong căn nhà sàn đơn sơ ấy, tấm ảnh của Bác Hồ luôn được ông treo ở một nơi trang trọng nhất. Trong thâm tâm của mình, ông xem Bác Hồ và Đảng chính là niềm tin giúp ông lãnh đạo được đồng bào Ka Tu, Pa Hy, Pa Cô đấu tranh với địch, tạo nên xã Hồng Hạ.
Về hưu nhưng già làng Côn Xuông vẫn luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế - xã hội của xã nhà. Từ năm 1985 – 1990, ông giữ chức Trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ làng Pa Ring và tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới. Bà con muốn nuôi con gì, trồng cây gì để đạt hiệu quả kinh tế đều tìm đến ông tư vấn giúp. Với uy tín của mình, ông đã vận động người dân làng Pa Ring đóng góp kinh phí cùng với chính quyền địa phương bê tông hóa đường làng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đường làng đầu tiên của xã Hồng Hạ.
Nói về già làng Côn Xuông, ông Nguyễn Hoài Nam (69 tuổi) nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Hạ từ năm 1993 – 2005, nay là Bí thư chi bộ làng Pa Ring, xã Hồng Hạ cho hay: “Xã Hồng Hạ được ngày hôm nay có công lao rất lớn của già làng Côn Xuông. Chính già làng Côn Xuông và già làng Vỗ Di (đã mất) là những người đầu tiên vận động người dân Ka Tu chúng tôi về đây đánh địch, lấn địch xây dựng làng bản mới. Cũng từ đó, đồng bào Ka Tu, Pa Hy, Pa Cô ở xã Hồng Hạ mới có cuộc sống ấm no như hôm nay.
Bài, ảnh: Võ Thạnh