Thế nhưng từ 28/4, thậm chí cả trước đó nữa, khách đã đổ về Huế. Bầu không khí lễ hội đã nóng lên từng giờ với hội chợ thương mại, với các cuộc trưng bày, triển lãm cùng rất nhiều hoạt động hưởng ứng khác.

Một lý do nữa khiến nhiều người quyết định đến Huế sớm là để được tham dự Lễ Tế Giao. Có vẻ như đối với nhiều người, về với Festival Huế không chỉ đơn thuần là về với lễ hội mà còn là sự tìm về với những giá trị tâm linh sâu thẳm. Festival 2016, Lễ Tế Giao diễn ra trước Chương trình khai mạc 20 tiếng, vào lúc 0h5’ 29/4. Nghi thức này được rút gọn từ Lễ hội Nam Giao vốn bắt đầu được phục dựng từ Festival 2004. Các kỳ Festival trước, Lễ hội Nam Giao được tổ chức với quy mô lớn, tiến dần từ phục dựng đoàn Ngự đạo hồi cung, đến đầy đủ cả Ngự đạo xuất cung, hồi cung và lễ tế. Nay, khi mà các nghi thức xưa đã được nghiên cứu, phục dựng hoàn chỉnh, Ban tổ chức rút gọn lại còn phần tế lễ, đưa Lễ Tế Giao đi vào chiều sâu tâm linh, đáp ứng tâm nguyện của du khách và công chúng.

Lễ tế bắt đầu từ lúc nửa đêm với lễ phẩm, nghi tiết đầy đủ như “điển lệ” đã quy định. Có lãnh đạo địa phương cùng quan chức các sở ngành đứng làm chủ tế, bồi tế. Tất cả những ai tham dự đều y phục truyền thống tề chỉnh. Lễ tiến hành từ nửa đêm về sáng, nhưng sức thu hút không hề nhỏ. Rất đông du khách, cả nội địa lẫn quốc tế có mặt với áo dài, khăn xếp; doanh gia từ nhiều miền đất nước tìm về; công chúng các giới, từ ông già bà lão, cho đến các bạn thanh niên, các trẻ nhỏ cũng nao nức, thành kính tề tựu quanh đàn chờ đến phiên được lên dâng một nén hương cùng nguyện cầu quốc thái dân an, hanh thông mọi sự... Vậy là thỏa nguyện.

Năm nay, một sự kiện cũng đậm chất tâm linh-nghệ thuật lần đầu tiên xuất hiện thu hút sự quan tâm đón chờ của công chúng là Lễ hội Quảng Chiếu. Lễ hội do Tỉnh hội Phật giáo tổ chức. Lễ hội là kết tinh tâm nguyện của Tăng Ni, Phật tử cầu mong đất nước thanh bình, nhân dân an lạc, thế giới thoát nạn binh đao, chúng sanh tất thảy đều được hạnh phúc.

Festival Huế 2016, một đại tiệc văn hóa đa sắc màu với nhiều lễ hội, nhiều chương trình nghệ thuật khó có thể bỏ qua. Festival Huế còn có một loạt các hoạt động hưởng ứng. Hưởng ứng nhưng chất lượng và sức hấp dẫn lại nhiều khi “không thể cưỡng”. Ví như ra Phong Điền để trải nghiệm với “Hương xưa làng cổ”. Năm nay, “Hương xưa làng cổ” không chỉ còn gói gọn ở Phước Tích mà mở rộng không gian về với làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên nổi tiếng; với biển Điền Lộc  đẹp, hoang sơ mà chưa nhiều người chưa có cơ hội khám phá. Hay đến với “Chợ quê ngày hội” Cầu Ngói Thanh Toàn để được đắm mình trong không gian đầy hoài niệm của làng quê thuần Việt, được chơi các trò chơi truyền thống vốn đã bị hao khuyết trong nhịp sống xô bồ hiện đại, được thưởng thức các món ăn dân dã mà ngày thường đã không còn dễ gặp. Vậy nên, không hiếm người về Festival đôi khi để tái ngộ những điều rất đỗi bình dị mà dễ thương như thế...

Hiền An