Nitrofuran và chloramphenicol là hai chất kháng sinh bị cấm sử dụng trên tôm. Ảnh: ANN |
"Việc sử dụng kháng sinh cấm ở tôm là một mối quan tâm lớn đối với người tiêu dùng", Chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng bang Penang, Malaysia (CAP), ông S. M. Mohamed Idris nhận định.
Theo ông Mohamed Idris, các cơ quan chức năng cũng nên xác nhận tôm bán ra trong nước có đủ an toàn cho người tiêu dùng bên cạnh việc cấp giấy chứng nhận cho các nhà xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Gần đây, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) nói trong một tuyên bố rằng, nước này có thể từ chối các lô hàng tôm nhập khẩu từ Malaysia sau khi họ phát hiện nitrofuran và chloramphenicol trong các lô hàng.
Ngày 30/4, Bộ trưởng Y tế Malaysia Datuk Seri Dr. S. Subramaniam khẳng định, một hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đã được vận hành trên các dây chuyền sản xuất đối với toàn bộ tôm xuất khẩu sang Mỹ sau khi biết được thông tin về các lô hàng bị từ chối ngày càng nhiều vào năm ngoái. Sau đó, Malaysia giảm được các đơn hàng xuất khẩu tôm bị từ chối xuống còn 2 lô hàng trong tháng 9 năm ngoái so với 66 lô hàng hồi tháng 8/2015, ông Subramaniam nói thêm.
Cũng theo ông Mohamed Idris, cá cũng phải được kiểm tra bởi vì CAP đã nhận được đơn khiếu nại của người tiêu dùng rằng cá mà họ đã mua có thể cất giữ đến 3-4 tháng mà không bị hư hỏng.
Thành viên hội đồng quản trị của Trung tâm Khiếu nại Người tiêu dùng Quốc gia (NCCC), ông Muhammad Sha'ani Abdullah cho hay: "Việc thực hiện đầy đủ chương trình GPL (phân loại, đóng gói và ghi nhãn) của Cơ quan tiếp thị nông nghiệp liên bang (FAMA) Malaysia là bắt buộc nhằm tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm".
Lê Thảo (Lược dịch từ ANN & The Star)