Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ hô vang khẩu hiệu bảo vệ người lao động trong ngày Quốc tế Lao động trong ngày 1/5/2016 được tổ chức tại thủ đô Ankara. Ảnh: AFP

Theo PressTV, công nhân đã xuống đường ở nhiều nước trên thế giới trong ngày hôm qua để đánh dấu dịp này và kêu gọi mức lương cũng như điều kiện việc làm tốt hơn cho lực lượng lao động.

Tại thủ đô nước Nga, khoảng 100.000 người, trong đó có thành viên của các tổ chức công đoàn và các nhà hoạt động chính trị, đã tập trung tại Quảng trường Đỏ ở Moscow để kỷ niệm ngày lễ chính thức dành cho người lao động.

Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu yêu cầu mức lương lao động và lương hưu cao hơn, cải thiện quyền và điều kiện lao động cho công nhân. Các nhà hoạt động mang quốc kỳ Nga, các biểu ngữ đầy màu sắc và nhiều bóng bay để chào mừng sự kiện này.

Trong khi đó, ở các thành phố Berlin và Hamburg của Đức, hàng ngàn công nhân cũng tham gia vào phần lớn các cuộc biểu tình hòa bình để đánh dấu ngày Quốc tế Lao động năm nay.

Tại Pháp, ngày lễ cộng đồng này thường được tổ chức với các cuộc diễu hành tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, vào hôm qua (1/5), tại thủ đô Paris của Pháp, các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa cảnh sát và những người biểu tình phản đối luật lao động gây nhiều tranh cãi mà chính phủ đã đề xuất với Quốc hội.

Ở thủ đô nước Anh, London, các lễ của công nhân quốc tế lần này được tổ chức tại trung tâm London, khi nhà lãnh đạo đảng Lao động Anh Jeremy Corbyn hứa hẹn sẽ bảo vệ lực lượng lao động bằng cách thực hiện những nỗ lực nhằm tránh vi phạm quyền lợi của người lao động.

Trong những năm gần đây, các nhóm lao động đã tổ chức một số cuộc biểu tình lớn ở London, Glasgow, Edinburgh và Doncaster vào ngày này để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người lao động cũng tụ tập lại ở các thành phố lớn. Cảnh sát buộc phải sử dụng súng hơi nước và pháo cay để giải tán đám đông những người biểu tình ở Quảng trường Taksim của thủ đô Istanbul.

Thời gian gần đây, phong trào ủng hộ người lao động trên toàn thế giới đã dùng ngày Quốc tế Lao động 1/5 để tôt chức các cuộc tuần hành nhằm kêu gọi cải thiện các điều kiện làm việc và mức sống tốt hơn cho giai cấp công nhân.

Bảo Nghi (Lược dịch từ PressTV & AFP)