Nụ cười liệu có tiếp tục với vũ điệu Sam ba

Sau vòng đấu bảng, những trận cầu tiếp theo ở World Cup được tổ chức theo kiểu nốc-ao. Kẻ thắng ở lại đi tiếp. Người thua a-lê-hấp xách vali về nước, hẹn gặp lại 4 năm sau. Không kịch tính cao độ như trong đấu bốc nhưng do tính chất mất - còn, những trận cầu nốc - ao đem lại cảm xúc mạnh cho người xem.
 
Vòng nốc - ao đầu tiên của World Cup 2010 chỉ có duy nhất trận cầu Paraguay- Nhật Bản xác định thắng thua trên chấm 11mét, ít nhiều mang tính may rủi. Còn lại là chiến thắng của những kẻ mạnh và bản lĩnh hơn. Đó là Đức trẻ trung và bản lĩnh trước bóng đá Anh bạc nhược. Chiến thắng trên cơ của Argentina, Braxin, Hà Lan hay Tây Ban Nha trước những kẻ yếu hơn. Đó cũng là chiến thắng của bằng đấu pháp hợp lý của Ghana hay Uruguay trước Mỹ và Hàn Quốc.
 
Chưa có nhiều kịch tính và bất ngờ trong những loạt trận nốc- ao tại giải đấu này, kiểu như Đức thắng ngược Pháp sau khi bị dẫn đến 2 bàn vào 1982 hay Italia thua Braxin trên chấm phạt đền trong trận chung kết 1994. Tuy vậy, vòng nốc- ao đang hứa hẹn kịch tính đến thót tim khi những ông lớn ngang tài ngang sức đụng đầu nhau.
 
Thắng thua trong đá nốc-ao hội đủ cả tài năng , thực lực, sự khôn ngoan trong đấu pháp, đặc biệt là sự may mắn. Nước mắt và nụ cuời có khi chỉ trong gang tấc. Vậy nên, thú vị làm sao khi xem các trận cầu nốc- ao.
 
Đan Duy