Những người di cư bị kẹt lại Thổ Nhĩ Kỳ khi đang tìm đường sang đảo Lesbos, Hi Lạp - Ảnh: Reuters |
Liên minh châu Âu dựa vào sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ để duy trì thỏa thuận tháng Ba nhằm giúp ngăn chặn dòng chảy của người tị nạn và di cư vào châu Âu từ ngỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái đã có hơn 1 triệu người đến Hi Lạp và Ý thông qua nước này.
Việc miễn thị thực cho một quốc gia Hồi giáo với dân số 79 triệu người như Thổ Nhĩ Kỳ là một vấn đề gây tranh cãi giữa các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên Brussels nhấn mạnh rằng thỏa thuận giữa EU và Ankara có thể giúp châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.
Một quan chức Eu và một nguồn tin liên quan đến cuộc đàm phán giữa Brussels và Ankara cho biết một cuộc họp của Ủy ban điều hành châu Âu của EU sẽ diễn ra vào ngày mai để thông qua đề xuất miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Để có thể giành được việc miễn thị thực cho công dân, chính phủ Ankara có trách nhiệm thực hiện đầy đủ 72 yêu cầu từ EU.
Một quan chức EU cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành gần một nửa số yêu cầu trên. Trong khi đó một nguồn tin thứ hai khẳng định chính quyền Ankara đã đáp ứng hơn nửa trong tổng số 72 yêu cầu trên.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện rất nhiều nỗ lực trong những ngày qua và những tuần qua để đáp ứng các tiêu chí, bao gồm cả các vấn đề như tiếp cận thị trường lao động cho cả những người tị nạn không phải là người Syria" - phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Mina Andreeva nhấn mạnh.
Trong số những trở ngại lớn nhất của thỏa thuận là việc Ankara phủ nhận tư cách thành viên Cyprus của EU cũng như quy định về quyền dân sự, dân tộc thiểu số, quyền tự do ngôn luận và các quy định luật pháp của nước này.
Tuy nhiên việc nới lỏng các quy định du lịch EU đối với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không cho phép công dân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc hay ở lại EU quá 3 tháng.
Theo Tuổi trẻ