Cung đường... đau khổ
Trở lại cung đường tránh Huế vào những ngày trung tuần tháng 2, chúng tôi chứng kiến các lớp nhựa đường đã bong tróc, trơ đá, chằng chịt “ổ trâu”, “ổ voi”… Nhiều lái xe đường dài có thâm niên trong nghề, nhưng khi qua đoạn đường này cũng phải... vả mồ hôi. Đường tránh Huế không chỉ là nỗi thống khổ của các tài xế xe tải, mà còn là nỗi ám ảnh của khách du lịch và hành khách khi phải lưu thông qua tuyến đường này. Chị Kiều Lan Anh- hướng dẫn viên du lịch khi đưa khách đi từ Hội An ra động Phong Nha (Quảng Bình) bức xúc: “Mỗi lần đi qua đoạn đường tránh Huế là mỗi lần ám ảnh trong tôi. Tôi chưa bao giờ bị say xe, nhưng khi qua đoạn đường lầy lội, ghồ ghề này, tôi cũng phải chịu thua…”. Nhưng, không có sự lựa chọn nào khác nên các xe tour vẫn buộc phải đi đường tránh Huế. Chị Lan Anh cho biết thêm, rất nhiều du khách đã phàn nàn, than vãn khi đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng kéo dài này. Nhiều hành khách đi trên đường tránh vào mùa mưa đều hoang mang khi tính mạng của họ như “ngàn cân treo sợi tóc”. Đối với hành khách đi tuyến ngắn từ Quảng Trị, Quảng Bình vào Đà Nẵng thì càng chịu thiệt thòi hơn. Ví như, xe khách xuất phát từ TP Đông Hà (Quảng Trị) vào Đà Nẵng khoảng 180 km, thường mất gần 4 giờ đồng hồ; thì khi qua đường tránh Huế, các xe này phải chạy mất gần 7 giờ đồng hồ. Không chỉ tốn nhiều thời gian mà xe đi qua đường này cũng nhanh hư hỏng hơn.
Một CSGT cho hay, theo quy định, các loại xe tải, xe khách, xe du lịch… lưu thông trên tuyến Bắc- Nam và ngược lại mà không nhập hàng, chở khách vào TP Huế thì phải lưu thông qua đường tránh Huế. Đường tránh này có chiều dài 36 km qua địa phận Thừa Thiên Huế, nối từ thị trấn Tứ Hạ (TX. Hương Trà) đến địa phận xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy). Khoảng 2 năm trở lại đây, đường tránh này hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, khiến nhiều người tham gia giao thông qua cung đường này đều lo ngại. Một lái xe tải tuyến Bắc- Nam cho biết, đi từ Bắc vào đây, qua nhiều địa phương, nhưng không có chỗ nào đường sá khổ sở như đường tránh Huế. Nhất là vào mùa mưa, đang lái xe mà lúc nào tâm lý cũng sợ tai nạn xảy ra. Toàn tuyến chỉ có 36km, nhưng lái xe phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ mới “bò” hết đường tránh Huế. Đó cũng là nỗi bức xúc chung của cánh nhà xe đường dài mỗi khi đi qua tuyến đường tránh này.
Chấp nhận nộp phạt để vào đường cấm
Trước thực trạng đường tránh Huế xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về tính mạng, tài sản hàng hóa cũng như phương tiện; nhiều chủ phương tiện và lái xe liều chạy vào đường cấm (từ TX Hương Thủy theo QL1A đến TP Huế qua TX Hương Trà) để tiếp tục ra Bắc hoặc ngược lại. Theo ghi nhận, chỉ trong một ngày đã có hàng chục xe tải, xe khách bị xử phạt vì vào đường cấm. Lái xe Võ Đình Lân (35 tuổi, trú Vạn Hưng, Đồ Sơn, Hải Phòng) điều khiển xe ô tô tải 3,5 tấn BKS 16M- 7906 lưu thông vào đường cấm thì bị CSGT phát hiện và lập biên bản hành chính xử phạt 1 triệu đồng. Ngay sau đó, xe này được lực lượng CSGT hướng dẫn và quay trở ra TX Hương Trà để đi theo đường tránh Huế vào Nam. Theo lái xe này, dù biết chạy xe vào đường cấm là vi phạm, nhưng đi đường tránh nguy hiểm quá nên vẫn “chạy liều”. Hay lái xe Phạm Xuân Sơn (trú Trảng Bom, Đồng Nai) điều khiển xe ô tô khách BKS 60B- 00635 đi tuyến TP. Hồ Chí Minh- Hà Nội cũng đã bị xử phạt 1 triệu đồng vì vào đường cấm, dù xe này không đỗ khách tại Huế. Lái xe Tâm cho rằng, nhiều lần chạy xe qua đường tránh Huế, hành khách đã phàn nàn rất nhiều về đường sá và họ sợ xảy ra tai nạn. Vì vậy, phần chiều lòng khách, phần sợ xe hư hỏng khi đi đường tránh Huế nên các chủ xe vẫn chấp nhận bị phạt để đi vào đường cấm. Các xe vi phạm không chỉ ở ngoại tỉnh mà rất nhiều xe trên địa bàn Thừa Thiên Huế biết rõ đường cấm rành rành vẫn ồ ạt chạy. Thực tế từng xảy ra tình trạng xe không có tuyến chạy qua TP Huế bị lật, làm gỗ tràn ra đường gây ách tắc giao thông.
Đường tránh Huế khởi công xây dựng năm 2001 theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng. Năm 2003 tuyến đường hoàn thành được đưa vào khai thác, góp phần giảm tải lưu lượng phương tiện trên tuyến QL1A qua nội đô TP Huế và giảm nhiệt tại các “điểm nóng” trong TP Huế. Mặc dầu hàng năm tuyến đường này đều được đầu tư kinh phí duy tu sửa chữa, nhưng mặt đường luôn trong tình trạng xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng. |
Các lái xe đi vào đường cấm không chỉ chấp nhận nộp phạt mà mới đây một số phụ xe, lái xe vào đường cấm còn không hợp tác với lực lượng chức năng. Khoảng 15 giờ ngày 13/1, trên QL1A tại TX Hương Trà, tổ tuần tra kiểm soát Phòng CSGT tỉnh đang làm nhiệm vụ thì có một thanh niên đi xe thồ đến với nồng nặc mùi men, xin cho 3 xe ô tô đi vào QL1A qua TP Huế, nhưng không xuất trình được giấy tờ liên quan theo quy định, vì vậy tổ công tác giải thích rằng, các xe trên không được phép mà phải đi qua đường tránh Huế. Khi nghe các CSGT giải thích xong, đối tượng này đã có lời lẻ xúc phạm, chửi bới tổ công tác và gây rối cản trở như: đứng trước đầu xe ô tô khác không cho tổ công tác kiểm tra giấy tờ, phương tiện, kích động, xúi giục những lái xe không xuất trình giấy tờ… Ngay sau đó, Công an TX Hương Trà đã đưa đối tượng về trụ sở để giải quyết. Đối tượng là Trần Đức Nhã (SN 1983, trú Đắc Nuy, Đắc Lắc) là phụ xe ô tô đầu kéo BKS: 43C- 00. 889, do lái xe Nguyễn Duy Bình (29 tuổi, trú Phù Cát, Bình Định) điều khiển.
Trung tá Hồ Xuân Phương, Trưởng phòng CSGT tỉnh cho biết, nguyên nhân ô-tô đi vào đường cấm là do đường tránh TP Huế hiện xuống cấp nghiêm trọng. Một số xe tải “né” đường tránh là do sợ hàng hóa dễ vỡ hay xe cộ dễ bị hư hỏng. Ngoài ra, nếu đi vào TP Huế chỉ mất khoảng 45 phút, thay vì đi đường tránh Huế phải chạy hơn 3 giờ. Thời gian qua, lực lượng CSGT đã xử lý rất mạnh tay, nghiêm khắc nên tình trạng xe vào đường cấm có phần giảm. Tuy nhiên, về lâu dài để các loại ô-tô không vào đường cấm thì cơ quan chức năng cần sớm có phương án cải tạo đường tránh.
Cảnh sát giao thông kiểm tra xử lý xe khách chạy vào đường cấm