Cảng container Pasir Panjang PSA, Singapore. Ảnh: Portstrategy
“Châu Á bị ảnh hưởng bởi sự phục hồi còn yếu của kinh tế thế giới và sự tái cân bằng của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa ở đa số các quốc gia khu vực vẫn còn khá mạnh”, theo Giám đốc châu Á-Thái Bình Dương của IMF Changyong Rhee.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến tăng trưởng mạnh ở mức 5,3% trong năm nay, chiếm gần 2/3 tăng trưởng toàn cầu, IMF cho biết trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực của mình.
IMF dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới và tăng trưởng 7,5% trong năm nay, cũng như năm tiếp theo bởi lợi ích từ việc giá dầu giảm. Năm ngoái, nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,3%.
Bên cạnh đó, IMF cũng hy vọng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2016, giảm từ 6,7% hồi năm ngoái.
Ngoài ra, ở các nước khác như Philippines và Malaysia, nhu cầu trong nước có khả năng phục hồi nhanh. Dự kiến tăng trưởng của Malaysia giảm xuống 4,4% trong năm nay từ mức 5% năm 2015 và nền kinh tế Philippines sẽ tăng trưởng 6% năm nay từ mức 5,8% trong năm ngoái.
LÊ THẢO (Lược dịch từ CNBC & IMF)