Diễn ra từ ngày 30/4 – 4/5, trong không gian đậm chất xưa, nhiều hoạt động đã được tổ chức, như: hoạt cảnh chợ quê vào hội, đua ghe, tổ chức trò chơi dân gian; tái hiện những thao tác sản xuất nông nghiệp và các hoạt động đời sống, sản xuất của người dân quê, như: chằm nón, xay lúa giã gạo, gói bánh tét,...

Hoạt cảnh chợ quê trên sông

Chợ quê ngày hội cũng là nơi trưng bày các sản vật nổi tiếng của Hương Thủy, như: nếp Thủy Phù, bột lọc Thủy Dương, dưa gang Thủy Châu; các mặt hàng tiểu thủ công mỹ nghệ tinh xảo của Thủy Thanh, Thủy Phương, Thủy Lương; giày dép da Thủy Vân, đồ gốm mỹ nghệ, sành sứ phường Phú Bài,…

Một trong những yếu tố “ghi điểm” với du khách là các chương trình, hoạt động được sắp xếp, bố trí liên tục từ sáng đến tối, chia ra nhiều khu vực tổ chức khác nhau để mọi người dễ dàng tham gia. Người tham gia lễ hội có thể về cầu ngói Thanh Toàn để thư giãn những ngày nghỉ lễ trong bất cứ thời gian nào. Đặc biệt, bên cạnh những hoạt động thường niên, mang màu sắc xưa, sự sôi động của những đêm nhạc do Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc và Đoàn múa Amurkie Zori – Nga đã tạo ra sự phong phú, đa dạng cho lễ hội.

Chị Lê Thị Thanh, đến từ Thanh Hóa chia sẻ: “Trong dịp Festival Huế 2016, cầu ngói Thanh Toàn là địa điểm tôi đến nhiều lần nhất (3 lần). Là một người con gốc Huế, được thấy lại những hoạt động nông nghiệp, sống trong không khí của làng quê xưa khiến tôi vô cùng thích thú. Ở đây, lễ hội như của chung, không có sự phân biệt giữa khách và người dân địa phương”.

Ngay cả những người nước ngoài khi đến cầu ngói Thanh Toàn dịp lễ hội cũng tỏ ra có thiện cảm với một làng quê gần thành phố này. Bà Ovchiunikova Olga, Trưởng đoàn múa Amurkie Zori – Nga chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với lễ hội ở đây, người dân rất nhiệt tình. Khi các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, họ ủng hộ cuồng nhiệt làm chúng tôi quên hết những khó khăn lúc tập luyện và chỉ muốn cống hiến cho họ đêm biểu diễn thật hết mình”.

Theo ước tính của Ban tổ chức, trong 5 ngày diễn ra (từ 30/4 - 4/5) có khoảng 120.000 lượt khách về cầu ngói Thanh Toàn để tham dự lễ hội, tăng khoảng 65.000 lượt, so với Festival Huế 2014 (55.000 lượt khách), chứng tỏ sức hút rất lớn của một lễ hội được tổ chức ở làng quê nằm bên dòng sông Như Ý.

Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội cho rằng, với kinh nghiệm của những lần trước, “Chợ quê ngày hội” năm nay đã làm nhiều người cảm thấy hài lòng. Thứ nhất là đảm bảo an toàn, vui vẻ cho người dân và du khách suốt thời gian diễn ra lễ hội. Thứ hai là để lại trong lòng họ nhiều ấn tượng sâu đậm và những kỷ niệm đẹp khó quên. Đây cũng là cơ hội để người dân địa phương một lần nữa tập làm du lịch, phát triển kinh tế. “Các gian hàng bán tại chợ quê rất đông khách, đặc biệt như các loại bánh bèo, nậm, lọc luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, vé của những trò chơi dân gian cũng bán không kịp. Đây là một thành công rất lớn”, ông Hòa nói thêm.

Riêng với người dân Thủy Thanh, 5 ngày diễn ra lễ hội là khoảng thời gian rất đẹp của họ. Người tham gia trình diễn các hoạt động tại lễ hội được quảng bá nghề và những nét đẹp của nghề mình; người đi chơi cũng có những khoảnh khắc đẹp bên gia đình và người thân sau những tháng ngày làm việc vất vả. Như lời chị Nguyễn Thị Bê, sống tại địa phương tâm sự: “Rất lâu rồi gia đình chúng tôi mới có những đêm vui đến vậy”.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc