Một trong số đó là đường Lê Viết Lượng, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng…. Thay vì đặt bảng tên đường ở cả hai mặt, ngay điểm giao nhau giữa các tuyến đường, đơn vị lắp đặt, quản lý chỉ đặt một phía song song với tuyến đường. Muốn đến đường nào, người dân phải dừng ở ngã tư quay đầu nhìn tới, nhìn lui khá mất thời gian. Điều đó cũng khiến không ít người nhầm đường, chạy quá đường cần tìm.

Nhiều bảng tên đường để trống phía sau vừa lãng phí, vừa khó tìm kiếm

Với các tuyến đường mới và các khu quy hoạch, vấn đề trên cơ bản được khắc phục, song người dân cho rằng, các cột đặt bảng tên đường quá cao so với chiều cao trung bình của người Việt. Hầu như ở bất cứ tuyến đường mới nào mới được đặt tên sau này, bảng ghi tên đường cũng cách mặt đất hơn 2m.

Người đi bộ khó quan sát đã đành, người đi mô tô, xe máy cũng phải ngẩng đầu lên cao mới quan sát được. Người dân mong muốn, nếu có thể nên sớm thay các bảng tên đường cũ và hạ thấp độ cao các cột đặt bảng tên để dễ quan sát hoặc khắc phục các nhược điểm, tồn tại đang có với các tuyến đường sắp được đặt và lắp bảng tên.

Một cặp vợ chồng ở Phú Vang lên Huế khám bệnh ở bác sĩ tư nhân phải mất khá nhiều thời gian để tìm đường trong khu vực nội thành, trong đó có nhiều lần quay đầu xe ở ngã tư, ngã năm khá nguy hiểm. Người chồng cho rằng, nếu bảng chỉ tên đường dễ quan sát hơn chắc chắn sẽ giúp người tham gia giao thông thuận tiện và bớt nguy hiểm. Cũng vì lý do này, nhiều tài xế ở các nơi khác đến Huế khá lúng túng, vất vả trong việc tìm đường đến nhà hàng, khách sạn; có tài xế đi vào đường ngược chiều do không nhìn thấy biển báo giao thông và bảng tên đường.

Ngoài những tồn tại trên, hiện còn một số bảng tên đã cũ, như đường Nguyễn Lương Bằng, đoạn giao nhau với đường Tố Hữu, bị bong tróc gần hết sơn chữ màu trắng nên người đi đường rất khó quan sát để đọc tên đường. Các đơn vị liên quan cần sớm khắc phục, thay thế.

Bài, ảnh: Linh Đan