Họ hì hục băm, cắt, phơi, ủ … để làm ra một thứ phân vốn rất thân quen với nhà nông nhưng đã ít nhiều bị xao nhãng: Làm phân hữu cơ từ cây lục bình, một loại cây đang gây ô nhiễm môi trường nước. Họ là những người thuộc dự án “Hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm từ cây lục bình làm phân bón sản xuất rau sạch, an toàn”, thực hiện thí điểm tại Điền Hoà

Hướng dẫn kỹ thuật làm phân hữu cơ từ cây lục bình

Cứu môi trường nước

Không chỉ ở Điền Hoà, mà rất nhiều kênh, rạch trên địa bàn toàn tỉnh hiện bị bèo lục bình xâm chiếm làm mặt nước bí khí, tù đọng. Tình trạng này làm ảnh hưởng lớn tới môi trường nước nói riêng và môi trường sống của các cụm dân cư nói chung. Từ ý thức bảo vệ môi trường ở các cụm dân cư, một thầy giáo tại Điền Hoà (Phong Điền) đã đề xuất một dự án, nhỏ, nhưng có giá trị nhân sinh cao, bắt đầu bằng ý tưởng “Hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm từ cây lục bình làm phân bón sản xuất rau sạch, an toàn”.

Theo quy trình, cây lục bình được vớt, chặt khúc, phơi khô trộn với chế phẩm vi sinh, ủ kín từ 30 đến 45 ngày tuỳ thời tiết là có thể có một loại phân hữu cơ để sử dụng làm bón phân cho các loại cây, rau... Nhờ quy trình đơn giản trong việc làm phân hữu cơ từ cây lục bình, người nông dân dễ dàng sản xuất góp phần, giảm thiểu những nguy hại khi loại cây này đang làm mất an toàn mặt nước các ao hồ, mương ngòi. Đồng thời, với chất liệu phân hữu cơ từ cây lục bình sẽ góp phần cải thiện đất canh tác theo hướng hữu ích cho cây trồng khi không phải sử dụng phân vô cơ.

Người dân sử dụng sản phẩm phân hữu cơ từ cây lục bình sẽ giúp cải thiện sự phát triển của cây trồng, giảm chi phí sản xuất và cải tạo đất. Quy trình đơn giản và “nhất cử lưỡng tiện” vừa bảo vệ môi trường nước vừa an toàn cho quy trình sản xuất rau xanh. Dùng phân hữu cơ từ cây lục bình còn góp phần bảo vệ sức khoẻ của người sản xuất và người tiêu dùng rau xanh. Đây là lý do dự án này rất khả thi, được bà con nông dân quan tâm tiếp nhận.

Thầy Nguyễn Văn Tám, người có ý tưởng này cho rằng: “Đề án ngoài giá trị môi trường còn phù hợp với đặc điểm địa bàn khi lãnh đạo huyện Phong Điền luôn quan tâm  đến vấn đề sản xuất rau sạch, an toàn trên diện rộng mà vấn đề nan giải là cả một vùng rau rộng lớn đang gặp khó khăn về sử dụng phân bón hợp lý”.

Lợi cả đôi đường

Các giải pháp trong dự án nhằm giải quyết những vấn đề đang tồn tại tại các địa phương; làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nguồn nước; hạn chế sử dụng các loại phân bón hoá học; giảm thiểu sự bạc màu của đất, chống ngộ độc thuốc trừ sâu cũng như tránh bùng phát sâu bệnh do sự phá huỷ hệ sinh thái từ việc sử dụng quá nhiều hoá chất. Dự án khởi nguồn với quy mô cực nhỏ khi thực hiện thí điểm tại Điền Hoà, nếu được nhân rộng sẽ góp phần giải phóng các mặt nước tù đọng đang bị cây lục bình che phủ mật độ dày trên diện rộng. Đồng thời góp phần cải thiện tình trạng người nông dân lạm dụng phân vô cơ trong trồng trọt, đặc biệt là loại cây ngắn ngày như rau xanh. 

Ngoài những lợi nhuận cụ thể về phân bón, dự án này còn có giá trị tăng cường nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng khi người dân chung tay vớt bèo lục bình khỏi các mặt nước, làm trong sạch lại nguồn nước quanh khu dân cư. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng về nguồn phân sản xuất rau sạch, tăng thu nhập cho người dân, hình thành thương hiệu rau sạch trong khi quy trình thực hiện đơn giản cho nông dân Điền Hoà nói riêng và người nông dân nói chung.

Bài, ảnh: Hương Giang