Giải cờ vua hạng Nhất quốc gia đã kết thúc chiều 3/5 với phần thắng thuộc về các kỳ thủ đẳng cấp như Từ Hoàng Thông (cờ nhanh), Phạm Lê Thảo Nguyên (cờ nhanh), Nguyễn Anh Khôi (cờ tiêu chuẩn), Hoàng Thị Bảo Trâm (cờ tiêu chuẩn, cờ chớp), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (cờ chớp)… Ngoài ra, một vài tên tuổi như Kim Phụng, Như Ý, Đào Thiên Hải tuy không giành ngôi vô địch nhưng cũng nằm trong tốp 3 hoặc tốp 10 (tùy nội dung).
Kim Phụng trong màu áo Bắc Giang tại giải cờ vua hạng Nhất 2016 tổ chức tại Huế
Và dĩ nhiên, với dàn kỳ thủ trên, việc tuyển cờ vua Huế với những gương mặt quá non trẻ trắng tay tại giải đấu này là điều dễ hiểu. Điều đáng nói, sau giải đấu, không ít người yêu cờ Cố đô cảm thấy chạnh lòng khi phải chứng kiến “cảnh” VĐV tỉnh mình đăng quang trong màu áo địa phương khác.
Trò chuyện sau lễ trao giải, nữ kỳ thủ Kim Phụng (đang khoác áo cho Bắc Giang) chia sẻ: “Nếu như đãi ngộ của tỉnh nhà xấp xỉ nơi Phụng đang đầu quân và có hợp đồng hẳn hoi thì không những Phụng mà cả Trâm, Ý sẽ suy nghĩ việc trở về thi đấu cho quê nhà”. Nghe qua có vẻ “chảnh”, nhưng xét một cách toàn diện, đây là yêu cầu chính đáng của các VĐV thể thao chuyên nghiệp.
Câu chuyện cờ vua Huế “chảy máu” tài năng không mới và gần như ai cũng hiểu nguyên nhân tại sao. Điều này khiến thành tích của cờ vua Huế thụt lùi quá xa so với thời điểm Bảo Trâm, Như Ý, Kim Phụng đang còn “ăn cơm” thể thao tỉnh nhà, thậm chí, có thể nói nó ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích của thể thao Thừa Thiên Huế trên mọi đấu trường.
Có thể rất nhiều người sẽ chỉ trích do không chịu “chi” nên VĐV tài năng lần lượt ra đi. Điều này không sai. Nhưng nói đi phải nói lại, bởi kinh phí đâu mà chi? Doanh nghiệp đâu mà hỗ trợ? Mà không chỉ riêng cờ vua, vẫn còn nhiều môn thể thao tỉnh phải đầu tư, phải cân đong đo đếm.
Nhưng như vậy, chẳng lẽ chúng ta đành chấp nhận tình trạng chảy máu tài năng, chấp nhận thành tích thụt lùi? Tất nhiên là không. Thứ nhất, sau một thời gian ngắn Đề án phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2015 và định hướng đến 2020 triển khai, thể thao Huế đã có một bước tiến vượt bậc, thậm chí bất ngờ khi trong năm 2015 đã đem về đến 7, 8 HCV tại các giải vô địch quốc gia – điều mà hàng năm trước, Huế chỉ đạt tầm 2-3 HCV.
Thứ hai, cũng từ bước đà đó, với khát vọng vươn tầm, thể thao thành tích cao của Huế sẽ và phải hướng đến những đấu trường cao hơn, trước mắt là SEA Games. Mà để cụ thể hóa khát vọng trên, cần phải xem lại việc đầu tư cho VĐV các môn trọng điểm (điền kinh, cờ vua, vật, các môn võ…).
Thực tế, dù là VĐV tài năng của các môn trọng điểm nhưng không phải VĐV nào thực lực cũng ngang nhau, không phải VĐV nào cũng phát triển thành tích cao hơn như mong muốn. Vậy nên, thay vì đầu tư cho tất cả, hãy chọn mỗi môn trọng điểm 1, 2 VĐV theo hướng thiên về chất chứ không thiên về lượng. Và khi “lượng” ít đi thì dễ linh động trong chế độ, đãi ngộ để tập trung cho những VĐV được chọn. Có như vậy, vừa phần nào giải quyết được tình trạng chảy máu tài năng như môn cờ, vừa kích thích cũng như tạo điều kiện tốt nhất để VĐV có động lực trong tập luyện, thi đấu nhằm giúp thể thao Huế chinh phục những mục tiêu cao hơn, xa hơn.
Bài, ảnh: VÕ NHÂN