Chính sức hút ấy mà sau mỗi kỳ festival, nhiều người lại tiếc. Là tại sao không tổ chức thường kỳ chương trình thời trang áo dài ở Huế, chẳng hạn vào cuối tuần, để phục vụ du lịch về đêm? Cùng với trình diễn áo dài là mở các dịch vụ liên quan như may áo dài lấy ngay trong ngày, tặng chính khách đến Huế áo dài làm quà…Sức hấp dẫn của chiếc áo dài Huế lớn đến nỗi, trong lần trở về Huế dài ngày cách đây gần hai năm, tại ngôi nhà xưa của gia đình để lại trên đường Bạch Đằng của Huế, T.S Thái Kim Lan đã chia sẻ với chúng tôi về một dự định của bà. Đó là sẽ hình thành một trung tâm văn hóa ở phố cổ Bạch Đằng cho mục đích du lịch. Bà ao ước biến những ngôi nhà cổ còn sót lại ở đây cho thời trang áo dài...

Festival Huế năm nay, một lần nữa, chiếc áo dài lại tạo thêm dấu ấn sâu đậm. Ngoài chương trình thời trang áo dài ở sân bia Quốc Học, một bộ sưu tập áo dài cho cánh mày râu cũng được trình diễn tại đình làng Kim Long. Đặc biệt, lần đầu tiên, một show áo dài đã được trình làng tại Trung tâm văn hóa Phương Nam. Sau 3 đêm diễn miễn phí, mừng hơn khi nhà tổ chức (Công ty CP VKSTAR) sẽ tiếp tục duy trì sản phẩm “Huế áo dài show” hàng ngày vào lúc 19h30 để phục vụ du khách về đêm.

Festival Huế 2016 đã khép lại với nhiều dấu ấn. Một trong những thành công của lễ hội chính là công tác xã hội hóa, được đánh dấu bởi con số vượt trội về kinh phí tài trợ. Một số chương trình văn hóa lớn tại đây được tổ chức qua kênh xã hội hóa. Từ đây, những kỳ vọng mới trong công tác xã hội hóa lễ hội lại được đặt ra, đặc biệt về cơ chế. Có cơ chế để định hướng, kêu gọi, hỗ trợ, nhằm thu hút đầu tư vào những sản phẩm văn hóa du lịch lâu dài, bền vững chứ không chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn ngủi của lễ hội.

Ngoài áo dài, vẫn mong muốn nhiều hoạt động khác, đã được khẳng định ưu thế như Đêm Hoàng Cung, Lễ hội diều, Chợ quê ngày hội, Âm sắc Việt… vẫn có thể tổ chức thường xuyên hơn để làm phong phú sản phẩm du lịch Huế. Điều đó đòi hỏi sự liên kết tốt hơn, đặc biệt trên phương diện xã hội hóa để khơi dậy nội lực.

Tiểu Muội