Khán giả tham gia một biểu diễn tại sự kiện Ngày Singapore được tổ chức tại Sydney, Australia. Ảnh: MINDEF |
Hợp tác “đôi bên cùng có lợi”
Những lĩnh vực trong quan hệ hợp tác này bao gồm thương mại và kinh tế, quốc phòng, đổi mới và khoa học, cũng như ngoại giao nhân dân. CSP lần đầu tiên được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott công bố vào năm 2015.
Theo đó, Singapore sẽ có khả năng tiếp cận "chưa từng có" vào Australia và ngược lại, sau khi hai nước hoàn tất cuộc đàm phán về một thỏa thuận mang tính bước ngoặt CSP.
Mối quan hệ lâu dài của Singapore với Australia khởi nguồn từ chiến tranh thế giới II, khi các quân nhân Australia giúp bảo vệ Singapore. Kể từ đó, mối quan hệ được mở rộng đáng kể bao gồm các lĩnh vực như thương mại và quan hệ nhân dân.
Với sự hoàn tất của CSP, mối quan hệ này càng được nâng cấp thêm. "Thỏa thuận giúp đặt quan hệ kinh tế, quốc phòng, cũng như quan hệ nhân dân của chúng tôi lên một quỹ đạo hoàn toàn mới cho các thế hệ tiếp theo", Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định.
Ông Balakrishnan nói thêm rằng, như một "người bạn lâu năm" và một "đối tác chiến lược", CSP của Singapore với Australia được bắt đầu từ một "nền tảng vững chắc".
Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore gọi CSP là sự hợp tác “đôi bên cùng có lợi”. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng ca ngợi đây là "thỏa thuận mang tính bước ngoặt".
"Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) là một thỏa thuận đầy tham vọng bao gồm nhiều khía cạnh trong mối quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng thực hiện các dự án khác nhau, mặc dù một số dự án sẽ mất thời gian để gặt hái kết quả", ông Lý Hiển Long nhận định.
4 trụ cột chính trong quan hệ hợp tác
CSP bao gồm 4 trụ cột chính. Đầu tiên là trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, được bắt nguồn từ Hiệp định thương mại tự do ban đầu mà cả hai nước đã ký kết vào năm 2003. Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Australia, trong khi Australia là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore.
Quy định mới đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ có một thời gian dễ dàng hơn để theo đuổi cơ hội ở mỗi nước. Cả hai bên cũng sẽ tìm cách nhìn nhận trình độ chuyên môn của nhau, trong đó ưu tiên cho kỹ sư và kế toán.
Trụ cột thứ hai liên quan đến đổi mới và khoa học. Hợp tác giữa các nghiên cứu và các cơ quan khoa học đã sẵn sàng để phát triển, với nguồn tài trợ có tổng trị giá khoảng 50 triệu đô la Singapore được cung cấp bởi cả hai nước.
Các công ty công nghệ cao của Australia cũng sẽ được cung cấp cơ sở ở Singapore, nhằm thúc đẩy hợp tác hơn nữa với các công ty địa phương. Điều này sẽ mở rộng danh tiếng của Singapore như là một trung tâm của sự đổi mới và các ngành công nghiệp sáng tạo.
Quan hệ quốc phòng lâu dài của cả hai nước cũng sẽ được mở rộng theo khuôn khổ CSP. Các cuộc tập trận chung sẽ được nhân rộng, trong khi lĩnh vực đào tạo mới được thiết lập để thực hiện. Việc chia sẻ thông tin tình báo cũng sẽ được nâng cao, trong bối cảnh các mối đe dọa khủng bố toàn cầu đang không ngừng gia tăng.
Ngoài ra còn có kế hoạch tăng cường giao lưu giữa các nhân viên quân sự của cả hai bên, cũng như bắt đầu chương trình giao lưu giữa các nhân viên dân sự.
Cuối cùng, CSP sẽ giúp cải thiện quan hệ nhân dân. Điều này bao gồm lĩnh vực du lịch, người dân Singapore có thể đủ điều kiện để xin visa nhiều năm. Được biết, hiện nay visa này sẽ hết hạn sau một năm.
Bên cạnh đó, cũng sẽ có các chứng nhận lớn hơn cho trình độ giáo dục của Australia trong lĩnh vực pháp luật, y học và sức khỏe. Ngoài ra, sẽ có nhiều hỗ trợ cho sự hợp tác giữa nghệ thuật và nhóm văn hóa của hai nước.
Chính phủ Singapore cam kết số vốn có thể lên đến 5 triệu đô la Singapore trong 5 năm để giúp các nghệ sĩ địa phương và các nhóm nghệ thuật biểu diễn tác phẩm của mình tại Australia.
Lê Thảo (Lược dịch từ CNA & Straitstimes)