Học sinh Trường tiểu học số 1 Quảng Phước tham gia học bơi
Cần thiết
Về Trường tiểu học số 1 Quảng Phước (Quảng Điền), chúng tôi thấy được sự quan tâm của nhà trường về việc phòng chống đuối nước cho trẻ. Cô Lê Thị Loan, Hiệu trưởng cho biết, năm học 2013 - 2014, nhà trường bắt đầu triển khai công tác dạy bơi cho học sinh. Qua 2 năm, đến nay đã đào tạo kỹ năng bơi và xử lý các tình huống cơ bản phòng tránh đuối nước cho 160 học sinh. Từ những học sinh e ngại, sợ nước, chỉ sau khóa đào tạo, nhiều em đã bơi thành thạo, thậm chí đạt giải cao tại các cuộc thi trong tỉnh và quốc gia.
Tại Trường tiểu học số 1 Phú Mậu (Phú Vang), công tác dạy bơi được nhà trường quan tâm và định hướng ngay từ đầu năm học. Thuận lợi từ nguồn 6 giáo viên thể dục được tập huấn kỹ và cơ sở vật chất được hỗ trợ từ các năm trước, nhà trường đã lên phương án tìm kinh phí để tiếp tục thực hiện việc dạy bơi cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Kim Huế, Hiệu trưởng cho rằng, Phú Mậu là vùng rốn lũ, việc dạy bơi phải được chú trọng. “Ngay cả mùa hè, do sống gần sông nước nên việc trang bị cho các em khả năng biết bơi cũng là rất cần thiết”, cô Huế nói.
Chỉ có 60 trường tổ chức dạy bơi
Theo số liệu thống kê của Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2014, có 14 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2015, có 19 trẻ em bị tử vong do đuối nước. |
Ở những địa phương đã triển khai công tác dạy bơi, nhận thức của học sinh về việc tự bảo vệ mình được nâng lên. Tuy nhiên, tại nhiều trường, khó khăn lớn là thiếu kinh phí, phụ huynh chưa mặn mà, chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc cho con học bơi.
Theo lãnh đạo nhiều trường, mỗi đợt dạy bơi đều có quá trình mời họp phụ huynh để trao đổi, có trường còn chuẩn bị kỹ tài liệu, trình chiếu Powerpoint để phụ huynh theo dõi, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả như mong muốn.
Hiện nay, giải pháp kêu gọi xã hội hóa dạy bơi cũng không phải là chuyện đơn giản. “Dạy bơi là hoạt động chúng tôi rất tâm đắc và quyết tâm thực hiện, nhưng xin kinh phí khó lắm vì có quá nhiều chương trình cần kêu gọi xã hội hóa. Trong chương trình dạy bơi cho học sinh, ngoài yếu tố con người, qua các năm cũng phải thay mới các trang thiết bị dạy bơi bị hỏng. Ngoài ra, cần một sự hỗ trợ nhỏ cho người dạy vì đó là thời điểm nghỉ hè, cùng chế độ nước uống, bánh, sữa cho học sinh. Khi có hỗ trợ của các tổ chức, học sinh học bơi có bánh, sữa mà một số phụ huynh đã chưa mặn mà cho con đi học thì đến khi hết sự hỗ trợ đó, nếu mình dạy không có chế độ hỗ trợ cho các em, phụ huynh sẽ thắc mắc”, cô Loan nói.
Thầy Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết, trong tổng số 216 trường tiểu học trên toàn tỉnh, ngoài 34 trường tiểu học ở TP. Huế, tính đến năm 2016, chỉ mới có 60 trường được tổ chức dạy bơi, 122 trường còn lại vẫn chưa có hoạt động này. Trong khi đó, những trường được hỗ trợ năm đầu cũng gặp khó khăn trong việc tự tìm kiếm nguồn kinh phí để tiếp tục thực hiện dạy bơi cho các học sinh lớp kế tiếp. Theo thầy Hải, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, giải pháp lớn nhất là các nhà từ thiện nên có cái nhìn mới về hoạt động dạy bơi để đồng hành, hướng đến mục đích có lợi cho xã hội. Ngoài ra, vai trò của phụ huynh trong vấn đề này là rất quan trọng.
Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc