Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) bắt tay với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trước một cuộc họp tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 17/2/2016. Ảnh: AFP

"Chúng ta đang ở giai đoạn đánh giá đầu tiên chương trình hỗ trợ Hy Lạp và các mục tiêu cơ bản đã đạt được", Chủ tịch Juncker cho biết trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải trên nhật báo Funke Mediengruppe của Đức hôm nay.

Eurogroup, bao gồm Bộ trưởng Tài chính của 19 nước thuộc khu vực đồng euro, dự kiến ​​sẽ gặp nhau vào ngày mai (9/5) tại Brussels để tiến hành xem xét những cải cách ở Hy Lạp.

Athens hy vọng cuộc họp sẽ mở khóa cho các đợt giải ngân tiếp theo trong thỏa thuận cứu trợ tài chính trị giá 86 tỷ euro (95 tỷ USD) đã đạt đưọc hồi tháng 7 năm ngoái, được cung cấp bởi Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – bộ 3 chủ nợ quốc tế của Hy Lạp.

Chủ tịch Juncker cũng cho biết, các bộ trưởng sẽ bắt đầu "cuộc thảo luận về việc làm thế nào để Hy Lạp có thể gánh các khoản nợ trong dài hạn".

Xác nhận cải cách là điều cần thiết trước khi xem xét việc giảm nợ cho Hy Lạp. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cuộc đàm phán kéo dài nhưng những cải cách của Athens vẫn chưa giành được sự ủng hộ của tất cả các chủ nợ, chủ yếu do sự khác biệt giữa EU và IMF – tổ chức yêu cầu phải có nhiều cải cách hơn nữa.

Ngày hôm qua (7/5), Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos kêu gọi các nước khu vực đồng euro phê duyệt gói cải cách mà theo đó, Hy Lạp sẽ cắt giảm 5,4 tỷ euro (6,1 tỷ USD) trong chi tiêu, và bỏ qua yêu cầu cắt giảm thêm 3,6 tỷ euro (4,1 tỷ USD) trong biện pháp bổ sung được đề xuất trước đó.

"Bất kỳ yêu cầu cắt giảm nào vượt quá 5,4 tỷ euro, đối với người dân Hy Lạp và các tác nhân kinh tế ở trong và ngoài nước, đều sẽ phản tác dụng", ông Tsakalotos viết trong một bức thư gửi cho Eurogroup.

Bộ trưởng Hy Lạp cũng cho biết, theo dự kiến, hôm nay (8/5) Quốc hội Hy Lạp sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu về việc đại tu chính sách thuế và lương hưu.

Người dân ở Hy Lạp đã tổ chức một cuộc tổng đình công 48 giờ trong 2 ngày 6/5-7/5 để phản đối dự luật cải cách mà chính phủ đề xuất, theo đó, người dân sẽ phải đóng góp cao hơn cho an sinh xã hội, tăng thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, và giới thiệu chính sách lương hưu quốc gia mới.

Trước đó, Hy Lạp đã nhận được hai gói cứu trợ trong năm 2010 và 2012, với tổng trị giá 240 tỷ euro (272 tỷ USD).

Một cuộc khủng hoảng kinh tế đã đánh mạnh vào đất nước này trong năm 2009. Kể từ đó, Hy Lạp phải đối mặt với ​​tỷ lệ thất nghiệp cao và nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên cả nước.

Bảo Nghi (Lược dịch từ The Guardian & PressTV)