Từ năm 2009 đến 2011, đề tài được thực hiện nhằm xác định giá trị nghệ thuật chế tác và trang trí gốm Phước Tích, các mẫu mã đặc trưng, đặc điểm tạo hình và các tác phẩm tiêu biểu. Đánh giá các thuộc tính khác biệt, những cái riêng trong tạo hình chế tác, trang trí, xác định tính cụ thể khoa học về bản sắc các tác phẩm gốm, góp thêm những luận điểm khoa học hữu ích trong công cuộc nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật gốm Phước Tích. Công cụ sản xuất của người thợ gốm Phước Tích rất thô sơ như thêu, nề đất, bàn chuốt, bàn xên, vòng vá nhắm vì do tính chất chế tác hoàn toàn bằng thủ công, người thợ gốm Phước Tích làm sản phẩm trực tiếp từ sự nhào nặn của đôi tay để tạo ra sản phẩm.  Phước Tích xưa sử dụng hai loại lò nung chính là lò sấp và lò ngửa. Các sản phẩm có kích thước nhỏ và vừa, như lu, hông, độc, hũ, ang, âu, om, trách đột, trách… với hoa văn đơn giản.

Việc thực hiện đề tài này nhằm tiến tới sáng tác, thiết kế và thử nghiệm các mẫu mã sản phẩm gốm mới; chuyển đổi công năng sử dụng từ dòng sản phẩm gốm dân dụng thuần túy sang dòng sản phẩm chủ yếu là gốm trang trí ứng dụng có hàm lượng thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao; phục hồi một số mẫu gốm truyền thống có tạo dáng đẹp và còn phù hợp với nhu cầu thị trường để phục vụ du lịch, kinh tế... Đề tài được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá cao, góp phần phục vụ lợi ích văn hóa cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của xứ Huế hiện nay.
 
H.Thương